Việc giá các loại nguyên, nhiên liệu, trong đó có giá than tăng cao, đang gây áp lực đáng kể lên biên lợi nhuận của Xi măng Hà Tiên 1. Xi măng Hà Tiên tìm giải pháp ứng phó với đà tăng giá than!
Trong quý I/2022, Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 (Xi măng Hà Tiên 1) đã ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan với doanh thu tăng trưởng, song lợi nhuận lại giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh giá nhiên liệu đầu vào tăng cao.
Cụ thể, theo Báo cáo tài chính hợp nhất, trong quý đầu năm nay, Công ty Xi măng Hà Tiên 1 đạt 1.957 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí giá vốn tăng nhanh hơn với 19,4%, khiến biên lợi nhuận gộp đạt 8,4%, giảm mạnh từ mức 13,8% cùng kỳ năm ngoái, do đó giá trị lợi nhuận gộp thu về giảm 31,8%, chỉ đạt 163,5 tỷ đồng.
Theo ông Lưu Đình Cường, Tổng Giám đốc Xi măng Hà Tiên 1, tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát và nền kinh tế Thế giới phục hồi đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao; đồng thời xung đột giữa Nga và Ukraine cùng với các biện pháp cấm vận của phương Tây tác động lớn đến kinh tế thế giới, làm cho giá than, dầu và các nguyên, nhiên, vật liệu tăng vọt. Giá nguyên, nhiên liệu chính cho sản xuất xi măng như than, dầu, thạch cao tăng mạnh đã làm giảm lợi nhuận gộp của Công ty.
Trong kỳ, mặc dù chi phí tài chính của Công ty cũng được giảm mạnh gần 50% sau khi hoàn tất trả nợ vay dài hạn trong năm 2021. Tính đến ngày 31/3/2022, dư nợ vay của Xi măng Hà Tiên 1 là 1.759,4 tỷ đồng (tăng 148,3 tỷ đồng so với đầu năm), toàn bộ là nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn. Ngược lại, doanh thu tài chính thu về cũng sụt giảm, chỉ đạt 216 triệu đồng, trong khi cùng kỳ 2021 ghi nhận 6,8 tỷ đồng, do lãi tiền gửi ngân hàng và lãi chênh lệch tỷ giá đều giảm mạnh. Việc các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý trong kỳ gia tăng cũng làm tăng áp lực lên lợi nhuận. Lợi nhuận trước thuế thu về chỉ 36,2 tỷ đồng, giảm đến 71,6% so với cùng kỳ 2021.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, dù dự báo thị trường xi măng phía Nam sẽ tăng trưởng 6 - 8,5% do kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế và những biện pháp thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ, Ban lãnh đạo Xi măng Hà Tiên 1 vẫn khá thận trọng trước những khó khăn phải đối mặt như việc xuất khẩu xi măng, clinker dự báo sẽ sụt giảm do các nước chưa sẵn sàng cho việc mở cửa, chi phí vận tải tăng cao, giá nguyên, nhiên liệu gia tăng, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất.
Trên cơ sở đó, mặc dù Ban lãnh đạo Công ty Xi măng Hà Tiên 1 cũng khá thận trọng khi đặt các mục tiêu kinh doanh với tổng doanh thu 7.861,69 tỷ đồng, tăng 10,9% so với thực hiện năm 2021. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 8,85%, với 501,9 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch trên, Công ty đã hoàn thành được 25% mục tiêu về tổng doanh thu, nhưng mới thực hiện được 7,2% mục tiêu về lợi nhuận trước thuế cả năm.
Theo Trading Economics, giá hợp đồng tương lai than Newcastle đến đầu tháng 6/2022 đang giao dịch ở mức trên 400 USD/tấn, tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, vào đầu tháng 3/2022, giá mặt hàng này lập kỷ lục 430 USD/tấn, cao nhất trong hơn mười năm trở lại đây. Than là nguyên liệu quan trọng, chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành sản xuất xi măng, do vậy, việc giá than tăng cao đang gây áp lực tăng chi phí sản xuất đầu vào với các doanh nghiệp xi măng, trong đó có Xi măng Hà Tiên 1.
Bên cạnh giá than, giá nhiều loại mặt hàng xăng dầu cũng tăng cao do ảnh hưởng bởi đà tăng của giá dầu Thế giới.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, trả lời câu hỏi của cổ đông trước áp lực tăng cao của giá than, Ban lãnh đạo Công ty cho biết, giá than nhập khẩu và xăng dầu tăng đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty. Trước tình hình này, Xi măng Hà Tiên 1 đã thực hiện nhiều giải pháp như chuyển sang sử dụng nguồn than trong nước, thực hiện các đợt tăng giá (tăng 100.000 đồng/tấn xi măng từ ngày 23/3/2022, tăng 50.000 đồng/tấn xi măng bao và tăng 80.000 đồng/tấn xi măng rời từ ngày 26/4/2022) để bù đắp áp lực chi phí tăng.
Thêm vào đó, Công ty cũng tích cực sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế. Hiện nay, Công ty có hệ thống đốt vải vụn, đế giày thay thế nguồn than. Năm 2021, tỷ lệ thay thế tại nhà máy Kiên Lương là 10 - 15%, nhà máy Bình Phước là 19 - 21%. Trong năm 2022, Công ty đặt mục tiêu nâng tỷ lệ thay thế lên 25% và sẽ tiếp tục tìm các giải pháp tăng thêm tỷ lệ thay thế này.
Nguồn: Ximang.vn