2022 được xem là năm chuyển đổi số của ngành TN&MT khi mà việc xây dựng Chính phủ điện tử; cơ sở dữ liệu Tài Nguyên và Môi Trường được xây dựng, cập nhật hứa hẹn sẽ mang đến những lợi ích lâu dài cho cả việc quản lý và người dân.
Ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TN&MT, với vai trò là đơn vị tham mưu cho lãnh đạo Bộ TN&MT triển khai xây dựng Chính phủ điện tử ngành TN&MT, Cục đang nỗ lực đưa nội dung chuyển đổi số vào các văn bản QPPL trong đó tập trung xây dựng các quy định về giấy phép, chứng chỉ điện tử, cấp phép hoàn toàn trên môi trường số.
Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế, chính sách về thu thập, tạo lập, quản lý, cung cấp toàn diện nguồn tài nguyên số về TN&MT, phát triển dịch vụ nội dung số về TN&MT góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số. Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho việc triển khai các mô hình mới về kiểm soát ô nhiễm môi trường, ứng phó với BĐKH và nước biển dâng; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, các chỉ tiêu cụ thể cho đánh giá công nghệ xử lý chất thải trên môi trường, công nghệ số.
Ngoài ra, nhận thức của người dân đóng vai trò quyết định trong việc chuyển đổi số thành công. Do đó, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TN&MT đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ TN&MT các chính sách nhằm đổi mới sáng tạo lề lối, phương thức làm việc, xây dựng văn hóa công sở mới phù hợp với môi trường số, với quá trình phát triển Chính phủ số.
Cục cũng đang tập trung nâng cấp Cổng dịch vụ công của Bộ, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia; kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu địa phương, bộ ngành; sử dụng các nền tảng dịch vụ như xác thực, định danh, thanh toán điện tử,… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thông qua hiệu năng phục vụ, nâng cao trải nghiệm người sử dụng.
Đặc biệt, nhấn mạnh vai trò của dữ liệu là hạ tầng quan trọng, cốt yếu, cần hoàn thiện cho chuyển đổi số ngành TN&MT, do đó ngành TN&MT đã đề ra các nhiệm vụ trong Chương trình chuyển đổi số gồm: Xây dựng, hoàn thiện các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành về TN&MT trên cơ sở kiến trúc, quy chuẩn đồng bộ thống nhất, tạo lập dữ liệu mở với sự tham gia của cộng đồng và được cung cấp, chia sẻ sử dụng rộng rãi, thuận lợi. Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và chuyên môn của ngành hoàn toàn dựa trên phân tích, xử lý dữ liệu sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), theo thời gian thực, hỗ trợ ra quyết định chính xác, kịp thời, đúng quy định.
Chuyển đổi số sẽ mang lại lợi ích lâu dài
Chuẩn hóa CSDL văn bản hành chính, CSDL nội bộ dùng chung cho mọi cán bộ trong cơ quan nhà nước, ứng dụng triển khai công nghệ khai phá, xử lý trên các nền tảng số đáp ứng nhu cầu chỉ đạo, điều hành, thực hiện công tác hành chính và qua đó dữ liệu được cập nhật tự động, hoàn thiện hơn. Cung cấp, chia sẻ sử dụng dữ liệu TN&MT phục vụ phát triển KT-XH bền vững, phát triển kinh tế nội dung số, thúc đẩy xã hội số góp phần phát triển quốc gia công nghệ.
Cùng với đó, đối với ngành TN&MT, trung tâm là dữ liệu về “không gian phát triển” của đất nước, nên nhiệm vụ bảo đảm an toàn, an ninh thông tin có vai trò then chốt, xuyên suốt¸ không thể tách rời để chuyển đổi số thành công và bền vững. Vì vậy, ngành TN&MT cũng đã xác định cấp độ và triển khai phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.
Đồng thời, thu hút, trọng dụng nhân lực chất lượng cao về an toàn, bảo mật thông tin và tổ chức, bảo đảm hoạt động của mạng lưới lực lượng ứng cứu sự cố an toàn, an ninh mạng. Xây dựng, vận hành trung tâm giám sát an toàn thông tin ngành TN&MT, kết nối, chia sẻ với Trung tâm an toàn không gian mạng quốc gia; triển khai các hệ thống: Hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng; hệ thống hỗ trợ điều phối, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng; hệ thống phòng chống mã độc. Thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin định kỳ cho các hệ thống thông tin, CSDL. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, diễn tập bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Nguồn: Bộ Tài Nguyên và Môi Trường