Vĩnh Phúc: Nhiều mô hình bảo vệ môi trường góp phần thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới!

Thứ 4, 28/02/2024, 01:57 GMT+7

Nhận thức rõ tầm quan trọng của tiêu chí môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm, coi trọng nhiệm vụ cải thiện, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống. Nhờ vậy, diện mạo nông thôn tại nhiều địa phương ngày một đổi mới, góp phần hoàn thành tiêu chí quan trọng này.

Vĩnh Phúc: Nhiều mô hình bảo vệ môi trường góp phần thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới!

Mô hình Tổ liên kết trồng rau an toàn của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch 
góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Để nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường hướng đến mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch tích cực triển khai xây dựng các công trình, mô hình bảo vệ môi trường, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và Nhân dân hoàn thành các chỉ tiêu được giao. 

Ông Nguyễn Quốc Chiến, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Lôi cho biết: Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận của người dân, đến nay, 10/12 thôn của xã đã xây dựng được tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp; trồng mới được hơn 2.560 cây hoa và cây xanh; 12,5 km đường hoa cẩm tú mai và trồng bổ sung 2,5 km đường hoa các loại. Đồng thời, tích cực phối hợp với các hội, đoàn thể thường xuyên duy trì tổng vệ sinh đường làng, ngõ, xóm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các ban, ngành, đoàn thể để từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là tiêu chí về môi trường, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo kế hoạch.

Với mong muốn xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch cũng ra mắt 7 mô hình tuyến đường xanh - sạch - đẹp - văn minh tại 7 chi hội vào năm 2022. Tháng 3/2023, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bắc Bình tiếp tục ra mắt 1 tuyến đường không rác thải dài 250m tại thôn Bắc Sơn. Từ khi mô hình được triển khai, người dân trong thôn đều có ý thức, trách nhiệm hơn, không còn tình trạng rác thải vứt bừa bãi trên tuyến đường; công tác chăm sóc, cắt tỉa hoa, cây xanh được thực hiện thường xuyên. Giờ đây, khi sải bước trên những con đường bê tông rộng rãi, sạch đẹp được tô điểm bởi hàng vạn bông hoa đa sắc màu đua nhau khoe sắc, người dân ai cũng phấn khởi, tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, chung sức cùng địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Tương tự như Lập Thạch, tại huyện Vĩnh Tường, xác định bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tuân Chính đã đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực gắn với cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch bằng những việc làm, mô hình trọng điểm: Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp; phụ nữ sản xuất rau an toàn... Đặc biệt, dù mới đi vào hoạt động một thời gian ngắn nhưng mô hình Biến rác thải thành tiền đã tạo sức lan tỏa lớn, được đông đảo người dân hưởng ứng, tham gia, góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí về môi trường. Thay vì rác thải được tập hợp và đổ đi, hầu hết người dân trong xã đã hình thành thói quen phân loại rác. Các loại rác như: Vỏ chai nhựa, vỏ lon bia, bìa giấy… đều được giữ lại, mang đến điểm tập kết tại nhà văn hóa các thôn để bán cho cơ sở thu mua phế liệu.

Hiện tại, xã Tuân Chính có 7/7 thôn được trang bị đầy đủ khung lồng sắt thu gom rác thải đặt tại các nhà văn hóa thôn hoặc ở những địa điểm phù hợp. Định kỳ vào ngày 10 và 20 hằng tháng, Ban quản lý mô hình ở các thôn sẽ phân công trực tại địa điểm thu gom, hoặc đến hộ gia đình vào ngày thứ 7, chủ nhật, tùy theo tình hình thực tế từng thôn để vừa tuyên truyền các hộ gia đình vệ sinh đường làng, ngõ xóm; đồng thời, vận động, nhận sự ủng hộ phế liệu từ người dân, gây quỹ ủng hộ phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trong khoảng 1 tháng, các chi hội phụ nữ đã xây dựng nguồn quỹ hơn 1 triệu đồng từ mô hình trên.

Theo đánh giá của các ngành chức năng, từ việc xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường đã có nhiều phong trào, cuộc vận động đa dạng, thiết thực được hình thành ở các địa phương. Qua đó, người dân tự ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, tình trạng đổ rác thải sinh hoạt bừa bãi ra khu vực công cộng giảm đáng kể; nhiều địa phương đã thành lập các tổ tự quản môi trường; nhiều thôn, làng duy trì việc tổ chức cho người dân dân tham gia dọn vệ sinh vào sáng thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Hầu hết ở các khu vực đô thị, nông thôn trong tỉnh đã có công ty môi trường, Hợp tác xã dịch vụ môi trường hoặc tổ thu gom rác thải chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải... Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt quy chuẩn môi trường khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh đạt 96%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt quy chuẩn môi trường khu vực nông thôn đạt 76%; tỷ lệ chất thải y tế nguy hại được thu gom xử lý đạt 100%... Qua đó, không chỉ ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn góp phần hoàn thành tiêu chí quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Vĩnh Phúc

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc