Việt Nam tiên phong chấm dứt ô nhiễm nhựa

Thứ 6, 03/06/2022, 14:36 GMT+7

Với việc thông qua nghị quyết lịch sử tại Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA-5) về chấm dứt ô nhiễm nhựa và xây dựng một thỏa thuận ràng buộc pháp lý quốc tế vào năm 2024, Việt Nam ghi dấu ấn là một trong những quốc gia tiên phong xây dựng thỏa thuận này.

Sự kiện lịch sử Nairobi và dấu ấn của Việt Nam

Tại hội nghị Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA-5) tại Nairobi (Kenya) đầu tháng 3/2022, Nghị quyết “Chấm dứt ô nhiễm nhựa: Hướng tới một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế" đã được 175 nước thông qua dựa trên ba dự thảo Nghị quyết ban đầu từ các quốc gia khác nhau, trong đó có Việt Nam. Hành động tiếp theo là thành lập Ủy ban Đàm phán Liên Chính phủ (INC), theo dự kiến Ủy ban sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2022, với tham vọng hoàn thành dự thảo thỏa thuận ràng buộc pháp lý toàn cầu vào cuối năm 2024. Nghị quyết hoàn chỉnh sẽ là một công cụ ràng buộc về mặt pháp lý, phản ánh các lựa chọn thay thế đa dạng để giải quyết vòng tuần hoàn của nhựa, thiết kế các sản phẩm và vật liệu có thể tái sử dụng và tái chế, và nhu cầu tăng cường hợp tác quốc tế để tạo điều kiện tiếp cận công nghệ, nâng cao năng lực và hợp tác khoa học kỹ thuật .

“Hôm nay đánh dấu một chiến thắng của hành tinh trái đất đối với chất dẻo sử dụng một lần. Đây là thỏa thuận đa phương về môi trường quan trọng nhất kể từ hiệp định Paris. Đó là một chính sách bảo hiểm cho thế hệ này và những thế hệ tương lai, vì vậy họ có thể sống với nhựa và không bị tiêu diệt bởi nó, " Inger Andersen, Giám đốc Điều hành UNEP cho biết.

chấm dứt ô nhiễm nhựa

Quang cảnh kỳ họp lần thứ 5 tiếp nối của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA-5.2) tại Nairobi, Kenya. (Ảnh: UNEP)

Việt Nam chủ động và hành động quyết liệt giảm nhựa

Tại các diễn đàn quốc tế, thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia xây dựng và đồng hành cùng với quốc tế trong các tiến trình nhằm hướng tới một khung thoả thuận toàn cầu nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương.

Cụ thể, năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương. Năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Canada, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển. Trong năm 2020, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia vào các đối thoại song phương và đa phương với chính phủ các nước, thảo luận các giải pháp tối ưu và xây dựng các cơ chế tiềm năng nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã chủ động tham gia trong tiến trình hình thành Ủy ban Đàm phán liên chính phủ (INC) và thể hiện sự ủng hộ của mình bằng việc cử đại diện tham gia Nhóm công tác đặc biệt về rác thải nhựa đại dương của Hội đồng môi trường của Liên hợp quốc (AHEG). Tại Phiên họp AHEG lần thứ 3, Việt Nam đã thể hiện quan điểm: “Chúng tôi nhận thấy vấn đề rác thải đại dương và vi nhựa là vấn đề đáng quan tâm. Các thách thức về rác thải đại dương và vi nhựa là vấn đề

Đồng thời, vào tháng 9/2021, Việt Nam cùng với CHLB Đức, Ecuador và Ghana đồng chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng về ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương với mục tiêu xây dựng động lực để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đã được tạo ra từ rất nhiều cuộc thảo luận quốc tế trước đó và đưa ra các đề xuất cụ thể để giải quyết vấn đề này tại UNEA-5.2. Một trong những kết quả đáng ghi nhận của Hội nghị là 76 quốc gia trong đó có Việt Nam đã thông qua Tuyên bố Bộ trưởng nhằm xây dựng động lực và ý chí chính trị để thúc đẩy một chiến lược toàn cầu chặt chẽ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương.

chấm dứt ô nhiễm nhựa

Ảnh: Nguồn ITN

Với việc thông qua Tuyên bố này, Việt Nam đã tiến thêm bước nữa trong việc tiếp tục khẳng định những cam kết chính trị của mình với cộng đồng quốc tế, góp phần gửi tín hiệu mạnh mẽ tới UNEA-5.2 về sự ủng hộ rộng rãi đối với việc thành lập Ủy ban Đàm phán liên chính phủ để bắt đầu tiến trình đàm phán cho một Thoả thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ TN&MT

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc