Ngày 3/3, tại Hội nghị Bộ trưởng về Cộng đồng phát thải bằng 0 châu Á (AZEC) tại thủ đô Tokyo theo lời mời của Chính phủ Nhật Bản. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trao đổi về vấn đề đánh giá, lựa chọn giải pháp giảm phát thải carbon khả thi, phù hợp khi tiếp Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) Nishimura Yasutoshi; các nghị sĩ phụ trách lĩnh vực môi trường của Đảng cầm quyền Dân chủ tự do (LDP).
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng khẳng định việc Việt Nam cử đoàn lãnh đạo tham dự Hội nghị lần này là thể hiện sự tích cực, chủ động và nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện cam kết mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời là sự ủng hộ đối với sáng kiến và chính sách của Chính phủ Nhật Bản trong thúc đẩy hợp tác xây dựng Cộng đồng chung châu Á về giảm phát thải carbon, bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Phó Thủ tướng đề nghị các bên cần có đánh giá thực tiễn và lựa chọn các giải pháp khả thi, phù hợp với các nước và trước hết cần hợp tác nghiên cứu về công nghệ, cơ chế tham gia của chính phủ và tư nhân, cũng như xác định nguồn tài chính để triển khai Tuyên bố chung AZEC tại các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam - Nhật Bản đánh giá, lựa chọn giải pháp giảm phát thải carbon khả thi, phù hợp
Trao đổi với các nghị sĩ Nhật Bản phụ trách lĩnh vực môi trường của Đảng cầm quyền Dân chủ tự do (LDP), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đề nghị các nghị sĩ ủng hộ Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ tài chính và chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong việc ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển ít phát thải carbon; vận động doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng mới, thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số...
Bộ trưởng Nishimura Yasutoshi bày tỏ cảm ơn việc Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị về AZEC; nhấn mạnh Nhật Bản coi Việt Nam là đối tác quan trọng để cùng triển khai sáng kiến AZEC, mong muốn cùng Việt Nam và các nước tham gia tích cực thảo luận, thúc đẩy hợp tác nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở tin cậy, công bằng.
Các nghị sĩ chào mừng Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thăm Nhật Bản vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản; khẳng định sẽ nỗ lực thúc đẩy quan hệ hai nước trong lĩnh vực môi trường và phối hợp chặc chẽ trên các diễn đàn, cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực.
Theo chiến lược năng lượng của Nhật Bản, hiện nay, chuyển dịch năng lượng của Nhật bao gồm tiết kiệm năng lượng triệt để, tăng cường năng lượng tái tạo, sử dụng hydrogen và năng lượng hạt nhân. Năm 2030 Nhật Bản cố gắng đạt tỷ lệ năng lượng phi hóa thạch từ 56 - 60% tổng sản lượng. Trong đó, điện mặt trời sẽ chiếm 14 - 16%, gió 5%, địa nhiệt 1%, thủy điện 11%, điện hạt nhân chiếm 20 - 22% (so với 6% hiện tại).
Nhật Bản xác định khu vực châu Á và Đông Nam Á là khu vực có tăng trưởng nhanh, tốc độ tăng phát thải khí nhà kính nhanh, sẽ là khu vực trọng điểm cho sự hợp tác của Nhật Bản về biến đổi khí hậu. Cách tiếp cận của Nhật Bản trong sự hỗ trợ đến từng nước châu Á phụ thuộc vào thực tế của từng nước. Đó là cách tiếp cận 3E (môi trường, kinh tế, cung cấp năng lượng ổn định). Châu Á cần vừa phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng.
Dựa trên đặc điểm của các nước châu Á, Nhật Bản đề xuất sáng kiến “Cộng đồng không phát thải châu Á (AZEC)”. Đó là nền tảng chung của các nước có cùng chí hướng thúc đẩy cắt giảm carbon, hướng tới giảm chi phí đầu tư các công nghệ mới thông qua mở rộng quy mô thị trường. Thông qua nền tảng AZEC, Nhật Bản sẽ hỗ trợ mạnh mẽ về công nghệ, vốn, nhân lực cho các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương (MOIT)