Việt Nam – Austrailia: Trao đổi kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước

Thứ 2, 22/05/2023, 03:01 GMT+7

Nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước phục vụ quá trình thẩm tra và hoàn thiện dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), từ ngày 17 đến ngày 21/4, Đoàn công tác của Ủy ban khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Văn phòng Quốc hội; Vụ Nông nghiệp và Vụ Pháp luật thuộc Văn phòng Chính phủ và Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có chuyến tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước tại Australia.

Trong chuyến tham quan lần này, Đoàn công tác đã có buổi gặp gỡ chính thức với Ông Tim Kane, Giám đốc Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT); ông Bob McMullan, Chủ tịch Ủy ban cố vấn tại Cơ quan Hợp tác ngành nước Australia (AWP); Ông Tom Mollenkopf, Cố vấn cao cấp Aither và Chủ tịch Hiệp hội Nước Quốc tế. 

Về phía các cơ quan Australia, ông Tim Kane đã có bài phát biểu chào mừng Đoàn công tác của Việt Nam đến tham quan học tập chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước tại Australia. Đồng thời ông mong đợi Đoàn công tác của Việt Nam và các cơ quan liên quan của Austrailia có thể chia sẻ cùng nhau các kinh nghiệm về quản lý tài nguyên nước đặc biệt trong bối cảnh đang phải đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, sự gia tăng dân số,... đang diễn ra ngày càng khắt nghiệt làm cho căng thẳng tài nguyên nước không còn là nguy cơ mà là mối đe dọa với các quốc gia gây mất an ninh tài nguyên nước.

Việt Nam – Austrailia: Trao đổi kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với đại điện các cơ quan thuộc Chính phủ Australia

Trong chuyến công tác, Đoàn Việt Nam đã được nghe đại điện các cơ quan thuộc Chính phủ Australia chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong thực hiện cải cách luật nước của Australia; giới thiệu về chính sách và quy định trong quản lý tài nguyên nước ở quy mô cấp quốc gia; Quy hoạch nước nhằm ứng phó với tác động của hạn hán và biến đổi khí hậu trong ngành nước và các nội dung hướng dẫn liên quan về dòng chảy tối thiểu tại Australia và Victoria; chia sẻ kinh nghiệm về chính sách và quy định quản lý nước của Australia và phác thảo chương trình Sáng kiến Nước Quốc gia do Bà Rebecca Thornbury, quyền Giám đốc, Chiến lược Nước Quốc gia, Phòng Nước của Cục Biến đổi Khí hậu, Năng lượng, Môi trường và Nước trình bày. 

Ông Tom Mollenkopf, Cố vấn cao cấp Aither và Chủ tịch Hiệp hội Nước Quốc tế cho rằng, nước là yếu tố quyết định cơ bản đối với sức khỏe, phúc lợi kinh tế và tiện ích xã hội nhưng lại là một nguồn tài nguyên thường không được đánh giá hoặc định giá về mặt kinh tế.

Bà Emily Barbour, Trưởng Chương trình Mê Công, AWP cũng đã trình bày về cách tiếp cận thực hành tốt nhất của Australia và quốc tế trong ứng phó với hạn hán và biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, bà Vanessa O’Keefe, EMM và Bà Yvette Colton, Aither đã chia sẻ các khuyến nghị đề xuất bởi chuyên gia Australia cho dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi) tại Việt Nam.

Tại buổi gặp mặt, thay mặt Đoàn công tác của Việt Nam, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh chia sẻ về định hướng về quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam và tiến trình sửa đổi Luật Tài nguyên nước.

Theo ông Châu Trần Vĩnh, thực hiện nhiệm vụ xây dựng dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), với vai trò là cơ quan chủ trì xây dựng, Bộ TN&MT đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, các buổi làm việc về dự thảo Luật với cơ quan, tổ chức có liên quan, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế. Theo đó, quan điểm xây dựng Luật được Bộ TN&MT tiếp cận theo ba quan điểm lớn: Thứ nhất là, cụ thể hoá các Nghị quyết của Đảng, thể chế hoá quan điểm tài nguyên nước là tài nguyên quan trọng, thiết yếu, là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý.

Thứ hai là, tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm minh bạch, đồng bộ để có khả năng vốn hoá nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng cộng nghệ số; tích hợp các quy định về quản lý nước trong Luật Tài nguyên nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước, bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia nên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước, bảo đảm tính tương thích với pháp luật, thông lệ quốc tế và tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Thứ ba là tiếp tục kế thừa các quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 đang phát huy hiệu quả nhưng phải đổi mới và phát triển. Bám sát, giải quyết vấn đề nguồn nước đang “quá thừa, quá thiếu, quá bẩn”, coi tài nguyên nước là trọng tâm, nghiên cứu điều chỉnh các quy định trong các luật khác để bảo đảm thống nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, quản lý hiệu quả đúng giá trị nguồn tài nguyên trên cơ sở phân cấp, phân quyền, bằng những công cụ tài chính tiên tiến để tài nguyên nước là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng theo ông Châu Trần Vĩnh, một số điểm mới và định hướng xây dựng dự thảo Luật đó là bổ sung các quy định nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương. Hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước. Mặt khác, Dự thảo Luật xây dựng theo hướng tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước (công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, nông thôn, cấp nước công nghiệp dịch vụ, giao thông thủy...); đồng thời giải quyết những chồng chéo, đan xen, xung đột, có lỗ hổng trong các luật;…

Chuyến tham quan học tập chia sẻ kinh nghiệm về quản lý tài nguyên nước sẽ là bước khởi đầu kết nối, tạo ra các mạng lưới, xây dựng năng lực và tăng cường mối quan hệ song phương giữa cả hai quốc gia và hiểu rõ hơn về các chính sách và mô hình quản lý về nước của Australia. Qua đó, nâng cao năng lực trong việc thiết kế, áp dụng và thực hiện trên cơ sở phương pháp tiếp cận mô hình thực hành tốt nhất về quản lý tài nguyên nước.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Tài Nguyên và Môi Trường

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc