Ứng dụng mới về vật liệu tái chế - Tận dụng phế thải sản xuất vật liệu xây dựng!

Thứ 2, 26/09/2022, 03:08 GMT+7

Tại Tọa đàm khoa học quốc tế “Ứng dụng mới về vật liệu tái chế” do Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng Việt Nam) và Viện Nghiên cứu xây dựng và ứng dụng Weimar - Weimar IAB (CHLB Đức) tổ chức mới đây, TS.KS Barbara Laydolph (CHLB Đức) cho biết, tại Đức đã sử dụng các phế thải xây dựng tạo ra hạt nhựa ứng dụng (hạt nhẹ) trong mọi lĩnh vực nhằm giảm thiểu việc sử dụng từ nguyên liệu thiên nhiên đang ngày một khan hiếm.

Việc tạo ra được những nguyên liệu mới từ các hạt nhẹ đóng góp vào ngành xây dựng với mục tiêu cuối cùng là bảo vệ môi trường, giảm thiểu phế thải ra môi trường,TS Barbara Laydolph (CHLB Đức) nhấn mạnh.

Trong bối cảnh nguyên liệu thiên nhiên có giới hạn, trên Thế giới và tại Việt Nam sử dụng đất sét làm gạch trong xây dựng đang dần bị loại bỏ, tiến tới không được sử dụng. Do đó cần phải có nguyên liệu khác thay thế và nguyên liệu phế thải được tạo ra từ công nghệ sẽ thay thế cho quy trình này.

vật liệu tái chế

Tận dụng chất thải xây dựng trở thành hạt cốt liệu nhẹ để tạo ra bê tông, vữa, gạch nhẹ. 

Bà Barbara Laydolph cho biết thêm, tại Đức có 3 vật liệu nhẹ là vật liệu được lấy từ thiên nhiên; vật liệu có nguồn gốc từ xử lý như đất sét; vật liệu được xử lý từ phế thải xây dựng. Tuy nhiên, bằng việc áp dụng công nghệ nguyên liệu hạt nhẹ từ các công trình, bùn thải được từ nạo vét sông hồ, đá xỉ trong quá trình khai thác đá… sẽ thay thế cho sản xuất xây dựng, ngoài ra còn nhiều lĩnh vực khác. Đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam hay Đức mà của cả Thế giới để tìm giải pháp khắc phục.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các vật liệu nhẹ có rất nhiều ứng dụng trong xây dựng, tạo ra những vật liệu cách nhiệt, gia cố nền đất… Việc tiết kiệm năng lượng, tài nguyên là cấp bách nhưng với công nghệ tiên tiến hiện cũng rất khó áp dụng bởi chi phí, cơ chế. Ngay tại Đức có điều luật được ban hành nhiều năm để thực hiện nhưng để triển khai cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Đưa ra dẫn chứng, bà Barbara Laydolph thông tin, tại Đức có 300.000 căn hộ được xây hàng năm và có tới 70% là vẫn xây dựng gạch nung truyền thống. Do đó, khi dùng các nguyên liệu thân thiện với môi trường đòi hỏi sự quyết tâm và những cơ chế, chính sách, nguồn lực để thực hiện.

Tại Việt Nam, hiện đã có nhiều nghiên cứu tận dụng nguồn phế thải công nghiệp, xây dựng làm vật liệu xây dựng. Từ năm 2016, trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã hợp tác cùng Weimar IAB và Công ty TNHH Chế tạo máy AML tiến hành nghiên cứu sản xuất hạt cốt liệu nhẹ từ phế thải công trình xây dựng. PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn - trường Đại học Xây dựng Hà Nội khẳng định, việc tạo ra hạt nhẹ từ phế thải công trình xây dựng là hoàn toàn khả thi ở Việt Nam và từ đó có thể ứng dụng để sản xuất tấm tường, gạch không nung, gạch nhẹ…

Theo báo cáo của thạc sĩ Tạ Văn Luân, Trung tâm Xi măng và Bê tông (Viện Vật liệu xây dựng), đơn vị này đã và đang tiến hành 37 nghiên cứu sử dụng đa dạng các nguồn phế thải công nghiệp, xây dựng như: Tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao, xỉ thép, phế thải luyện thép, thạch cao nhân tạo, phế thải phá dỡ công trình… làm vật liệu xây dựng. Các kết quả nghiên cứu này đã được ứng dụng vào thực tiễn trong công nghệ chế tạo xi măng bền sun phát, xi măng xỉ, xi măng đa cấu tử, xi măng hàm lượng clanhke thấp (<60%), xi măng siêu ít clanhke, vật liệu gia cố đất, xi măng alumin...

Nhiều chuyên gia khẳng định, tận dụng phế thải công nghiệp, xây dựng làm vật liệu xây dựng có ý nghĩa trong việc giảm thiểu sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên, giúp bảo vệ môi trường và tạo ra hệ vật liệu mới làm đa dạng nguồn vật liệu xây dựng.

Nguồn: Ximang.vn

Ý kiến bạn đọc