PGS. TS Vũ Huy Đại, Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, trong quá trình chế biến gỗ luôn có phế liệu gỗ ở hầu hết các công đoạn từ khâu khai thác đến gia công. Đặc biệt, phụ phẩm gỗ chiếm tỷ lệ khối lượng khá cao, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Thay vì bỏ đi các phụ phẩm, hiện nay phế liệu gỗ tại các nhà máy đã được ứng dụng phục vụ cho mục đích cung cấp nhiệt cho nồi hơi, lò hơi thay cho việc sử dụng than đá, hoặc dầu như trước đây. Việc làm này có ý nghĩa to lớn về bảo vệ môi trường và giảm khí thải CO2.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Cùng với đó, việc sử dụng phế liệu gỗ để sản xuất các viên nén, các loại vật liệu gỗ công nghiệp (MDF), ván dăm, ván ghép thanh góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu và bảo vệ môi trường.
Ảnh minh họa: Viên nén gỗ (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa: Ván dăm (Nguồn: Internet)
Đặc biệt, phế liệu gỗ sau chế biến tại các xí nghiệp có thể được thu gom để sản xuất tập trung các sản phẩm năng lượng. Các sản phẩm năng lượng như viên nén gỗ, gỗ củi ép mùn cưa, than gỗ đã góp phần không nhỏ vào việc giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính, nhóm nhiên liệu này được thay thế bởi các nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường, phát thải một lượng khí lớn CO2 vào môi trường.
Hiện nay, nhiều công ty sản xuất gỗ đã liên kết với các Công ty trồng rừng địa phương, xây dựng nhà máy viên nén năng lượng sử dụng cành, ngọn và phụ phẩm của các nhà máy chế biến gỗ trong khu vực và các tỉnh lân cận để thiết lập chuỗi kinh tế lâm nghiệp tuần hoàn khép kín.
Nguồn: Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường