Liên quan đến việc nghiên cứu, tìm kiếm các ý tưởng giảm rác thải nhựa trong hoạt động thủy sản, sáng 3/3/2023, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản đã tiếp đoàn công tác của trường Đại học Nha Trang và Dự án NET-Works (Đức). Bà Nguyễn Thị Phương Dung – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế đã chủ trì cuộc họp.
Cùng tiếp đoàn còn có các đại diện đến từ các đơn vị thuộc Tổng cục Thủy sản: Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Vụ Khai thác thủy sản, Vụ Nuôi trồng thủy sản và Trung tâm Thông tin thủy sản. Buổi làm việc đã diễn ra trên tinh thần chia sẻ về “khoa học ứng dụng”.
Vụ trưởng Nguyễn Thị Phương Dung cho biết, hai năm trước, tại Quyết định 687/QĐ-BNN-TCTS ngày 05/02/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt “Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành Thủy sản, giai đoạn 2020-2030” với mục tiêu chính là: Giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất ngành Thủy sản, từng bước quản lý rác thải nhựa đại dương theo tiếp cận từ đầu nguồn tới đại dương, kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế xanh; nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội của cộng đồng nông, ngư dân, các doanh nghiệp về rác thải nhựa, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn.
Đầu tháng Một năm 2023, Tổng cục Thủy sản cũng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định tổ chức “Diễn đàn thường niên về Rác thải nhựa đại dương ngành Thủy sản” cùng với sự đồng hành của một số tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam “cam kết tự nguyện cùng chung tay giảm thiểu rác thải nhựa từ hoạt động thủy sản đến năm 2030”. Đây là hoạt động thường niên mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Tổng cục Thủy sản thực hiện tại Quyết định 687/QĐ-BNN-TCTS nêu trên.
Hiện tại, Tổng cục Thủy sản luôn mong muốn các dự án, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan cùng tham gia các hoạt động về rác thải nhựa đại dương ngành Thủy sản (trong khai thác, nuôi trồng thủy sản); giám sát rác thải nhựa tại khu bảo tồn biển và hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người dân.... Bên cạnh đó, triển khai các mô hình thí điểm nhằm giảm rác thải nhựa/ khuyến khích thu gom rác nhựa từ hoạt động thủy sản, trước hết là hoạt động giảm nhựa tại các cảng cá, tàu cá: “Quản lý rác thải nhựa cho tàu cá, cảng cá thực hiện phụ lục V công ước Marpol – Đà Nẵng, 2022”, “Thu gom rác thải bằng tàu đánh cá lưới kéo – Phú Yên, 2022”, “Cơ chế khuyến khích thu đổi tái chế rác thải nhựa trong khai thác thủy sản, Đà Nẵng, Kiên Giang, Phú Yên, 2023”.
Dự án có tên đầy đủ là: Phòng chống, giảm thiểu và tái chế rác thải ngư cụ tại các vùng biển Việt Nam (Prevention, reduction and recycling of fishnet pollution in Vietnamese coastal waters) được tài trợ bởi Bộ Môi trường, bảo tồn tài nguyên, an ninh nguyên tử và bảo vệ người tiêu dùng của Cộng hòa Liên bang Đức (German Federal Ministry for the Environment, Nature Conservation, Nuclear Safety and Consumer Protection).
Đối tác của dự án tại Đức là trường Đại học Ostfalia. Tại Việt Nam, NET-Works cũng có các đối tác là các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (MARD), Giáo dục và Đào tạo (MOET), Tài nguyên và Môi trường (MONRE); và các Chi cục Thủy sản ở các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang; các trường Đại học: Nha Trang, Hạ Long, Kiên Giang; Viện Nghiên cứu hải sản (RIMF); Hội Thủy sản Việt Nam (VINAFIS), Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam (VINATUNA) và các công ty: Siam Brothers VN, Trường Phát JSC.
Một là, Các doanh nghiệp thủy sản vừa và nhỏ ở các tỉnh Quảng Ninh (đại diện cho miền Bắc), Khánh Hòa (miền Trung) và Kiên Giang (miền Nam) sẽ tham gia hoạt động của dự án bằng cách hỗ trợ cán bộ thu thập dữ liệu. Sau khi phân tích dữ liệu, kết quả sẽ được phản ánh lại cho doanh nghiệp/ngư dân và giúp giảm tác động tức thời đến môi trường biển do hoạt động đánh bắt thủy sản gây ra.
Hai là, Các cơ sở/ điểm trình diễn tại Việt Nam dự kiến sẽ là các trường đại học. Bên cạnh việc chọn điểm trình diễn môi hình thì dự án cũng sẽ tiến hành các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho giáo viên và sinh viên. Các hoạt động xây dựng năng lực sẽ tăng cường khả năng thiết kế chương trình giảng dạy hiện đại với định hướng môi trường. Và quan trọng hơn cả là thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp ngành nhựa ở Việt Nam (với khoảng 2.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 90% là doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ). Họ có thể nhận được sự giúp đỡ để phát triển vật liệu tái chế và sản phẩm mới. Cơ sở/ điểm trình diễn có thể xử lý nhiều loại vật liệu nhựa/polyme khác nhau và sản xuất các vật liệu tái chế. Đây sẽ là cơ hội giúp nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc giảm rác thải ra biển. Hơn nữa, các khóa học tích hợp truyền thông khoa học sẽ giúp các trường đại học của Việt Nam có thể truyền tải kiến thức tiên tiến, nâng cao năng lực đổi mới xã hội.
Ba là, Người dân - nhất là người dân sống ở các tỉnh vừa đề cập ở trên (gồm: Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang). Theo Dự án NET-Works (Đức), việc bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng là nhiệm vụ phải được toàn xã hội chung tay thực hiện. Nếu chỉ nhắm mục tiêu vào các doanh nghiệp thủy sản, dự án sẽ không thể đạt được tác động đầy đủ do thiếu điểm tựa xã hội. Vì vậy, các kết quả tìm hiểu của đề tài khoa học sẽ được chọn lọc và biên dịch cho cả nhóm đối tượng này: Người dân; trong đó thế hệ trẻ là đối tượng được tập trung đặc biệt.
Bốn là, Cơ quan quản lý thủy sản và các bên liên quan khác tại Việt Nam. Theo đó, các kết quả nghiên cứu của dự án sẽ được một số cơ quan quản lý thủy sản như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (MARD), Tổng cục Thủy sản (D-FISH) và các bên liên quan khác tiếp nhận. Các kết quả này có thể được ứng dụng trực tiếp vào hoạt động xử lý rác thải ngư cụ (hoặc sử dụng trong việc tư vấn, đề xuất chính sách phù hợp).
Về phía Việt Nam, trong thời gian tới, ngành Thủy sản sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động tham vấn, truyền thông, tạo cơ sở cho việc tìm kiếm những sáng kiến mới liên quan đến bảo vệ môi trường biển, giảm rác thải nhựa trong các hoạt động thủy sản.
Nguồn: www.tongcucthuysan.gov.vn