Trường Đại học Thủy lợi nâng cao ý thức về phân loại rác cho sinh viên.

Thứ 4, 22/02/2023, 02:03 GMT+7

Nhằm nâng cao ý thức về phân loại rác tại nguồn cho sinh viên, giảng viên và cán bộ nhân viên trong trường, Trường Đại học Thủy lợi đã đặt các thùng phân loại rác trong khuôn viên trường.

phân loại rác

Gia tăng dân số không ngừng khiến cho lượng rác thải sinh hoạt ngày một tăng. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội, chất lượng sống của con người ngày càng cao nên thành phần rác thải ngày càng phức tạp. Phân loại tại nguồn giúp giảm khối lượng rác thải phát sinh phải vận chuyển, xử lý, giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Thêm vào đó, thành phần rác thải có khả năng tái chế như rác hữu cơ, giấy, nhựa, kim loại nếu bị chôn lấp, xử lý sẽ gây tốn diện tích, chi phí xử lý đồng thời gây lãng phí nguồn tài nguyên. Việc tái chế rác thải không chỉ mang lại lợi ích về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về mặt kinh tế, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm chi phí sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra.

Theo điều 75 Luật bảo vệ môi trường năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Để việc phân loại rác tại nguồn được thực thi nghiêm ngặt, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 25/8/2022. Theo đó, hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị xử phạt từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.

Nhằm nâng cao ý thức về phân loại rác tại nguồn cho sinh viên, giảng viên và cán bộ nhân viên trong trường, Trường Đại học Thủy lợi đã đặt các thùng phân loại rác trong khuôn viên trường. Mỗi thùng rác được chia thành ba khoang sơn màu đỏ, xanh dương, và ghi. Khoang màu đỏ dành cho rác thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây nhiễm độc hoặc có đặc tính nguy hại khác (theo Luật BVMT 2020). Khoang màu xanh dương để chứa chất thải có khả năng tái chế như chai, lọ thủy tinh, chai, lọ nhựa, bao bì nhựa mềm, hộp giấy, giấy viết, giấy in, bìa carton, phế liệu… Khoang màu ghi chứa các loại rác không thể tái chế được như các sản phẩm đồ giấy dùng một lần: cốc giấy, hộp bìa cán nilon, xương động vật, vỏ sò, vỏ hến….

phân loại rác

Để hoạt động phân loại rác tại nguồn thực sự có ý nghĩa cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp để tiếp nhận xử lý rác đã phân loại. Với việc lắp đặt các thùng phân loại rác, Trường Đại học Thủy lợi mong muốn xây dựng thói quen xả rác đúng nơi quy định, lan tỏa ý thức phân loại rác tại nguồn để giảm gánh nặng xử lý môi trường, mang lại lợi ích cả trước mắt và lâu dài cho môi trường, xã hội, kinh tế. Đây còn là việc làm thiết thực nhằm xây dựng xã hội văn minh, phát triển bền vững.

phân loại rác

phân loại rác

Một số hình ảnh thùng phân loại rác quanh trường

Xem thêm:

Trường THCS Phú Mậu (Huế) tổ chức chương trình hướng dẫn phân loại, tái chế rác, đổi vỏ hộp sữa lấy quà và giải cứu pin cũ!

Hoạt động phân loại rác tại nguồn thực hiện bởi các em học sinh tại Trường tiểu học!

Trường Tiểu Học Cần Thạnh 2: Phân loại rác thải tại nguồn - "Đổi chất thải nhận quà"!

Nguồn: https://www.tlu.edu.vn/tin-tuc-thong-bao/nang-cao-y-thuc-ve-phan-loai-rac-cho-15542

Ý kiến bạn đọc