Trung Quốc đặt mục tiêu tái chế 25% tổng lượng chất thải dệt may và sản xuất 2 triệu tấn sợi tái chế vào năm 2025. Đây là một phần trong nỗ lực đạt đỉnh lượng khí thải carbon vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060 của nước này.
Trung Quốc đặt mục tiêu cải thiện khả năng tái chế và triển khai một hệ thống tái chế chất thải dệt may bước đầu thiết lập vào năm 2025, theo tài liệu “Ý kiến thực hiện về việc tăng tốc tái chế hàng dệt thải” do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) công bố hôm 11/4.
Trong tài liệu này, Bắc Kinh hy vọng đến năm 2030, đất nước sẽ có một hệ thống tái chế tương đối hoàn chỉnh, đạt tỷ lệ tái chế 30% đối với hàng dệt thải và đồng thời sản xuất ra 3 triệu tấn sợi tái chế.
“Với sự cải thiện không ngừng về mức sống của người dân, ngày càng có nhiều quần áo đã qua sử dụng bị vứt bỏ. Do vậy, việc tái chế chất thải may mặc ngày càng trở thành vấn đề bức thiết", ông Zhao Kai, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Tuần hoàn Trung Quốc, cho biết trong một tuyên bố trên trang web của NDRC.
Tái chế chất thải là chìa khóa để cải thiện tính bền vững của ngành sản xuất dệt may. Ảnh: Collective Responsibility
Theo NDRC, vào năm 2020, Trung Quốc thải ra khoảng 22 triệu tấn chất thải dệt may, trong khi tỷ lệ tái chế chiếm khoảng khoảng 20%. Cùng năm đó, ước tính khoảng 1,5 triệu tấn sợi tái chế được nước này sản xuất từ chất thải dệt.
"Tài liệu của NDRC sẽ giúp định hướng và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế tài nguyên và chất thải của Trung Quốc. Đồng thời, điều có ý nghĩa to lớn trong việc giúp đất nước sớm đạt được mục tiêu khí hậu đó là đạt đỉnh carbon và trung hòa carbon", ông Zhao nói.
Các biện pháp được NDRC khuyến nghị, bao gồm thúc đẩy sản xuất xanh và carbon thấp trong ngành dệt may; cải thiện mạng lưới tái chế của Trung Quốc; và thúc đẩy việc tái chế toàn diện chất thải dệt may. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng chỉ ra rằng, cần nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất và người tiêu dùng về tầm quan trọng của việc tái chế vào năm 2030.
Theo ông Ronna Chao, Chủ tịch của Novetex Textiles và hệ thống Billie - giúp tái chế chất thải dệt thành sợi, phía công ty không chỉ mong muốn tái chế quần áo cũ mà còn có kế hoạch tập trung vào việc nâng cao nhận thức của cộng đồng và sự chấp nhận đối với các loại sợi tái chế.
“Tái chế số lượng lớn hàng may mặc thành phế liệu chất lượng thấp không phải là giải pháp mà thế giới đang tìm kiếm ngày nay. Mục tiêu của chúng ta là cần thúc đẩy nhu cầu của thị trường, hỗ trợ khâu sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm tái chế. Trong đó, các đơn vị tái chế cần đẩy mạnh sáng tạo các kiểu dáng, chức năng, sự thoải mái và tiện dụng của các đồ tái chế. Bên cạnh đó, giá cả phải chăng cũng là yếu tố góp phần quan trọng cho mục tiêu này", ông Ronna Chao cho biết.
Từ lâu, chuỗi cung ứng dệt may công nghiệp đã cải thiện vấn đề thời trang của con người, song cũng là nguồn gốc gây ra suy thoái môi trường trên nhiều mặt. Do vậy, tái chế chính là chìa khóa để cải thiện tính bền vững của ngành sản xuất dệt may. Theo tính toán của World Wide Fund for Nature, cần khoảng 2.700 lít nước để sản xuất một chiếc áo phông cotton - trong khi lượng nước này đủ để duy trì sự sống một người trong 900 ngày.
Nguồn: Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS)