Việc triển khai kế hoạch phân loại chất thải rắn, tuyên truyền, vận động người dân xử lý rác thải… cho thấy công tác bảo vệ môi trường ngày càng được các địa phương quan tâm.
Tại Đà Nẵng, UBND thành phố vừa ban hành kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn (rác) sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong năm 2023, nhằm giảm thiểu tối đa khối lượng rác thải phát sinh và xử lý tại khu xử lý tập trung, góp phần tối ưu các chi phí đầu tư, xử lý của thành phố, sớm đáp ứng các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020...
Kế hoạch đề ra mục tiêu trong năm 2023, thành phố có hơn 90% số tổ dân phố triển khai phân loại rác và 90% số hộ gia đình phân loại rác hiệu quả tại địa bàn khu dân cư; hơn 70% cơ sở trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hơn 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, du lịch và 100% trường học, cơ sở y tế trên địa bàn thành phố phân loại rác bảo đảm theo phương thức chung của thành phố; hơn 80% chợ, siêu thị, trung tâm thương mại được tuyên truyền, hướng dẫn và thực hiện phân loại rác.
Theo Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng, điểm mới trong kế hoạch lần này ngoài việc mở rộng việc phân loại rác trên toàn địa bàn thì thành phố yêu cầu các quận, huyện, các cơ quan, tổ chức liên quan chuẩn bị đầy đủ về phương thức, nguồn lực để tiến tới "cột mốc" phân loại rác trên cả nước từ năm 2025.
Về thành phần rác được phân loại, toàn Đà Nẵng triển khai đồng bộ phân loại rác có khả năng tái sử dụng, tái chế (gồm: các loại giấy, nhựa, kim loại) và các loại rác nguy hại (bóng đèn huỳnh quang hư, pin và ắc-quy đã qua sử dụng, vỏ chai và lọ đựng hóa chất...).
Ngoài ra, trong kế hoạch lần này, tùy thuộc vào điều kiện của các phường, xã, Đà Nẵng cũng cho triển khai thực hiện thí điểm phân loại chất thải thực phẩm (gồm thực phẩm nhà bếp trước và sau sơ chế, chế biến; thực phẩm thừa, quá hạn sử dụng; dầu thải; rác vườn...); chất thải cồng kềnh (tủ, giường, nệm, bàn, ghế, vật dụng, gốc cây, thân cây, cành cây...); chất thải từ hoạt động cải tạo, phá dỡ công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân.
Triển khai nhiều kế hoạch phân loại và xử lý rác
Lâm Đồng: Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải
Tại Lâm Đồng, sáng 15/5, Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” tại tỉnh Lâm Đồng.
Lâm Đồng là 1 trong 15 tỉnh, thành phố trong cả nước được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lựa chọn tham gia dự án. Mục đích của dự án là nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững. Xây dựng và nhân rộng các mô hình về chuyển đổi chất thải thành nguồn thức ăn dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, tạo việc làm, thu nhập cho người nông dân.
Dự án thúc đẩy các tổ, nhóm nông dân tham gia dự án; hội thảo khởi động và kết nối cấp tỉnh; tập huấn cho nông dân về các kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ; tham quan, chia sẻ kinh nghiệm; tổ chức sự kiện truyền thông, tuyên truyền; hỗ trợ xây dựng mô hình xử lý rác thải hữu cơ. Dự án sẽ được thực hiện điểm tại các địa phương gồm: Phường 8, 9, 12 (TP Đà Lạt); xã Liên Hiệp, Hiệp Thạnh, thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng), xã Đạ Kho, Triệu Hải, thị trấn Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh). Cụ thể, dự án đặt mục tiêu xây dựng thành công các mô hình về xử lý rác thải hữu cơ điển hình, làm điểm sáng để nhân rộng.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được thông tin giới thiệu tổng quan về dự án; chia sẻ kinh nghiệm trong việc áp dụng các phương pháp khoa học - kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp gắn với xử lý rác thải, chất thải như: kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi và kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng; nuôi gà trên nệm lót sinh học; nuôi sâu canxi, giun quế để xử lý phân gia súc...
Đại diện các ngành và Hội Nông dân các huyện, xã tham dự tại hội thảo đã đóng góp nhiều ý kiến sát với thực tiễn tại các cơ sở. Đây là cơ sở quan trọng để Hội Nông dân tỉnh có giải pháp triển khai các nội dung của dự án hiệu quả trong thực tế.
Nguồn: Bộ Tài Nguyên và Môi Trường