Trách nhiệm cộng đồng và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0!

Thứ 4, 21/12/2022, 12:39 GMT+7

Ngày 14/12, tại Hà Nội, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu vừa tổ chức Diễn đàn: “Trách nhiệm cộng đồng và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.

Hoạt động thuộc chuỗi chuỗi sự kiện “Cộng đồng và doanh nghiệp với quy định giảm phát thải khí nhà kính và Cơ chế Carbon”, nhằm tuyên truyền chủ trương định hướng, chính sách pháp luật và kế hoạch hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính góp phần cùng thực hiện mục tiêu Net Zero. Những đóng góp, tham vấn của các nhà khoa học, chuyên gia về môi trường, công nghệ tại hội thảo sẽ được tổng hợp để kiến nghị lên Quốc hội, từ đó Quốc hội có những chỉ đạo thiết thực để thực hiện mục tiêu này.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết: Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề nghiêm trọng, có thể nói đây là một thách thức lớn đối với toàn nhân loại. Nguyên nhân chính là do lượng phát thải khí nhà kính tăng lên trong những năm qua. Để giảm những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra, thế giới đang đẩy mạnh các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính ở cấp độ toàn cầu. Đây cũng là cơ hội để các quốc gia thúc đẩy một cuộc cách mạng trong sản xuất, tiêu dùng và giao thông vận tải… để loại bỏ lượng lớn carbon thải ra, hoặc sử dụng công nghệ thu giữ và lưu trữ, loại bỏ carbon tại nguồn phát thải.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Việt Nam đã cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là xu thế, con đường chính sách pháp luật theo dòng tích cực cùng với thế giới. Nghị quyết XIII của Đảng đã đưa ra những nội dung về ứng phó biến đổi khí hậu. Đồng thời, Luật bảo vệ môi trường 2020 đánh dấu mốc quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển dịch mô hình phát triển từ nâu sang xanh. Hàng loạt các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Theo đó, trách nhiệm cộng đồng và doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là vấn đề đặc biệt quan trọng, đóng góp vào nỗ lực của Việt Nam cùng thế giới chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn: TSKH. Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên Hiệp Hội; ông Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi tường Việt Nam; ông Nguyễn Quang Huân - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy ban KHCN& Môi trường Quốc hội (thứ tự từ trái sang phải)

Bên cạnh chia sẻ về các cơ chế chính sách, quy định của pháp luật trong ứng phó BĐKH, các chuyên gia cũng thông tin về tác động của Cơ chế điều chỉnh biên giới Các bon (CBAM) tới hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam và giải pháp thích ứng. Hiện nay, EU đang đi đầu với nhiều giải pháp về chính sách, tài chính và công nghệ cho mục tiêu giảm pháp thải. Do đó, từ năm Từ năm 2023, Liên minh châu Âu (EU) sẽ thí điểm áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), trong khi đó Hoa Kỳ cũng dự kiến áp dụng Cơ chế này từ năm 2024. Cụ thể, hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường này sẽ bị áp thuế carbon dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.

Theo ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy ban KHCN& Môi trường Quốc hội, mặc dù Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã có quy định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon, nhưng cơ chế cụ thể chưa được ban hành, chưa quy định chi tiết bằng Nghị định, Thông tư, hướng dẫn. Nếu không nhanh chóng có phản ứng chính sách kịp thời, CBAM sẽ trở thành thách thức rất lớn với Việt Nam cũng như các nước đang phát triển.

Nói về những thách thức, với cam kết phát thải ròng bằng “0”, Việt Nam cũng như các nước đang phát triển giữ nhịp tăng trưởng nhanh và tăng trưởng sạch đây là một bài toán đặt ra. Ông Huân nêu rõ, thứ nhất, Luật và cơ chế chính sách trong nước chưa theo kịp quốc tế. Thứ hai, doanh nghiệp VN chưa thông thạo với thị trường tín chỉ carbon và không có nguồn thông tin rõ ràng về CBAM, nhiều khái niệm mới, vấn đề kỹ thuật phức tạp. Thứ ba, nguồn tiếp cận thị trường tín chỉ nhiều hạn chế.

phát thải ròng bằng 0

 Quang cảnh Diễn đàn

Ông Nguyễn Quang Huân đề xuất giải pháp lập mô hình tài chính – kỹ thuật nhằm đạt Netzero (2050) và phân bổ theo các ngành, cùng với xây dựng chính sách áp thuế các bon cho các mặt hàng trong nước. Cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu cơ chế hoạt động của thị trường tín chỉ các-bon trên thế giới và áp dụng sớm tại Việt Nam.

Theo TS Nguyễn Văn Minh, Cục biến đổi khí, Luật BVMT năm 2020 đã quy định về tổ chức và phát triển thị trường các bon trong nước, với lộ trình vận hành thí điểm từ năm 2025 và chính thức từ năm 2028. Đây là căn cứ pháp lý mới nhất quy định về tổ chức và phát triển thị trường các bon.

Nói về quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp, TS Nguyễn Văn Minh cho rằng, khi tham gia vào thị trường các-bon, doanh nghiệp được thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon và được đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon. Tuy nhiên, để được hưởng hai lợi ích trên, doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu quy định pháp luật về giảm phát thải khí nhà kính; tìm hiểu về thị trường các-bon và tăng cường năng lực về kiểm kê khí nhà kính; tăng cường năng lực về thực hiện hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon.

Để làm được điều trên, doanh nghiệp phải cung cấp thông tin, dữ liệu hoạt động phục vụ kiểm kê khí nhà kính, thực hiện kiểm kê khí nhà kính và xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính; báo cáo kết quả thực hiện, cũng như thực hiện báo cáo tình hình thực hiện chương trình, dự án đăng ký theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ TN&MT

Ý kiến bạn đọc