Trà Vinh: Phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững

Thứ 2, 13/02/2023, 06:24 GMT+7

Trà Vinh tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2030.

phát triển kinh tế bền vững

Đó là mục tiêu của Đề án phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh theo hướng bền vững đến năm 2030 được Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành.

Cụ thể, tỉnh tập trung phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện năng lượng mặt trời, điện khí, điện sinh khối, điện rác); phát triển đô thị ven biển, giao thông vận tải biển, công nghiệp và các ngành kinh tế biển mới trên vùng biển của tỉnh; hoàn thiện một số hạng mục kết cấu hạ tầng quan trọng về kinh tế biển và logistics. Chuyển đổi các mô hình nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu sang quy mô lớn với công nghệ hiện đại, bền vững, bảo vệ môi trường; có liên kết từ khâu sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, Trà Vinh sẽ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các địa bàn có động lực phát triển du lịch như: Khu du lịch Biển Ba Động (xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải), Hàng Dương (xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang), Cù lao Long Trị (xã Long Đức, thành phố Trà Vinh), Cù lao Tân Quy (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè); thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch sinh thái rừng ngập mặn,...

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục rà soát bổ sung quy hoạch các dự án điện mặt trời và các dự án điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo (khí hydro xanh)...; mời gọi đầu tư, thu hút và triển khai các dự án năng lượng tái tạo sau khi Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 (Quy hoạch điện VIII) được phê duyệt, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh về năng lượng tái tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiêp đầu tư hạ tầng truyền tải điện, phấn đấu đến năm 2025 sản lượng điện sản xuất đạt 43,8 tỷ KWh, Trà Vinh trở thành một trong những trung tâm năng lượng của vùng.

Mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản ven biển theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó tập trung vào các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực, có giá trị kinh tế cao… Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; xã hội hóa đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng Khu du lịch Biển Ba Động trở thành khu nghỉ dưỡng biển chất lượng cao; phát triển các tour du lịch biển như: Tham quan rừng ngặp mặn - các công trình điện gió, điện năng lượng, làng nghề; kêu gọi đầu tư tàu du lịch cao tốc tuyến Định An - Côn Đảo, tuyến Định An - Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển, bảo đảm hài hòa phát triển kinh tế biển với quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên & Môi trường

Ý kiến bạn đọc