Tiêu dùng xanh để bảo vệ môi trường!

Thứ 7, 04/02/2023, 04:06 GMT+7

Thời gian gần đây, “nói không với rác thải nhựa” không còn là phong trào mang tính tự phát mà trở thành xu hướng có tác động tích cực đến việc thay đổi văn hóa tiêu dùng cũng như tư duy sản xuất của nhiều doanh nghiệp. Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), phong trào này đang được chính quyền các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp và người tiêu dùng (NTD) hưởng ứng tích cực. Bằng chứng là ngày càng có nhiều doanh nghiệp, NTD nói không với túi nhựa và cũng có thêm nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường ra đời.

Nhiều cách làm sáng tạo

Hưởng ứng lời kêu gọi chung tay hành động vì một Việt Nam với môi trường trong lành, an toàn và phát triển bền vững, góp phần cùng cộng đồng quốc tế giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, thời gian qua, ở ĐBSCL xuất hiện nhiều mô hình, hoạt động thiết thực, có sức lan tỏa cao.

Cụ thể tại Sóc Trăng, để góp phần hạn chế sử dụng túi ni long, tháng 8-2019, đoàn viên, thanh niên thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên đã triển khai mô hình “Bánh mì xanh”. Theo đó, mỗi tháng một lần, tại Mỹ Xuyên và TP Sóc Trăng, 100 ổ bánh mì thịt sẽ được các bạn trẻ gói cẩn thận bằng lá chuối tươi, cột lại bằng dây lác và phát miễn phí tới những người có hoàn cảnh khó khăn, người mắc bệnh hiểm nghèo, bán vé số, xe ôm… Anh Lưu Hồng Tài, Phó bí thư Chi đoàn Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng, thành viên sáng lập mô hình "Bánh mì xanh" cho biết: “Mô hình không chỉ là cầu nối chia sẻ yêu thương đến những mảnh đời khó khăn mà từ tấm lá chuối, sợi dây lác, chúng tôi muốn truyền tải đến cộng đồng về ý thức bảo vệ môi trường, nói không với rác thải nhựa”.

Tiêu dùng xanh để bảo vệ môi trường!

Mô hình “Bánh mì xanh” của đoàn viên, thanh niên thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng).

Tại Đồng Tháp, để hạn chế việc sử dụng túi ni long, chị Huỳnh Trúc Như, chủ cửa hàng Handy House (TP Cao Lãnh) còn thiết kế những mẫu túi đệm mang tên “túi tử tế” phục vụ chị em nội trợ. Mỗi chiếc túi giá khoảng 90.000 đồng nhưng có thể sử dụng nhiều lần. Cùng với đó, chị Như còn cho ra đời nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường “made in Đồng Tháp”. Điểm thú vị là sản phẩm được thiết kế chủ yếu từ cây cỏ, các nguyên liệu dễ phân hủy trong tự nhiên. Bộ sản phẩm này được nhận diện bằng hình ảnh các loại trái cây đặc sản của quê hương Đồng Tháp, như: Xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quýt hồng Lai Vung, mận Hòa An. Hình ảnh được vẽ tỉ mỉ bằng một loại sơn đặc biệt thân thiện với môi trường.

Tương tự, để hưởng ứng phong trào "nói không với rác thải nhựa", anh Huỳnh Công Hiền (sinh năm 1984), chủ quán cà phê Xưa tọa lạc tại phường 1, TP Sa Đéc đã thay thế hoàn toàn ống hút nhựa bằng ống hút tre. Đặc biệt khi đến quán, khách còn được tặng một ống hút tre có khắc tên của mình. Uống nước xong, khách có thể mang ống hút tre về nhà tiếp tục sử dụng. Anh Hiền cho biết, hiện tại, quán của anh tặng ống hút tre theo hai hình thức, nếu là khách quen được cung cấp trước thông tin sẽ khắc chữ trên vi tính, còn khách mới đến sẽ được tặng ống hút khắc chữ tại chỗ sau khi được cung cấp thông tin. Ngoài tặng ống hút tre, anh cũng tặng thêm dụng cụ vệ sinh ống hút. “Có ống hút này, mọi người có thể mang đi mọi nơi, sử dụng xong chỉ cần vệ sinh là có thể tái sử dụng nhiều lần. Hiện tôi đang nghiên cứu tạo thêm những chiếc muỗng bằng tre để tặng khách nhằm lan tỏa sâu rộng thông điệp “nói không với rác thải nhựa” đến mọi người”, anh Hiền chia sẻ.

Sức lan tỏa sâu rộng

Từ sự tích cực tuyên truyền và nhiều mô hình hay ra đời đã tạo sức lan tỏa trong hầu hết cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo NTD. Nhiều người đã bắt đầu ý thức hơn về thói quen sử dụng các loại sản phẩm từ nhựa, đặc biệt là sản phẩm nhựa chỉ sử dụng một lần. Minh chứng cụ thể là tại các điểm du lịch ở TP Cần Thơ và Đồng Tháp, An Giang… nhiều nơi đã chuyển sang sử dụng ống hút gạo, ống hút giấy hay tre, sậy… thay thế ống hút nhựa; nước uống được chứa trong chai thủy tinh, một số thức ăn gói bằng lá chuối, lá sen… Bà Phan Thị Kim Phước, chủ nhà vườn Song Khánh (Khu du lịch Cồn Sơn, TP Cần Thơ) cho biết: “Chúng tôi đã chuyển sang sử dụng ống hút làm bằng giấy và loại bỏ các đồ dùng bằng nhựa từ một tháng nay. Việc thay đổi này khiến chi phí tăng khá nhiều nhưng chúng tôi tin rằng thông qua cách làm này sẽ góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong mỗi con người và toàn xã hội”.

Với các chị em nội trợ, hằng ngày thay vì sử dụng nhiều túi ni long để đựng thức ăn, họ đã đổi sang dùng một số giỏ xách có chất liệu thân thiện với môi trường như giỏ mây, giỏ lục bình… đồng thời xây dựng cho mình những phương án giảm thiểu sử dụng các loại túi nhựa, hộp xốp sử dụng một lần. Bà Đỗ Thị Nhiều ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang) chia sẻ: “Trước đây, mỗi ngày gia đình tôi gồm 4 thành viên thải ra môi trường khoảng 4kg rác thải. Từ khi biết được tác hại khủng khiếp từ các loại rác thải nhựa, tôi đã tự phân loại rác thải sinh hoạt hằng ngày và hạn chế sử dụng hộp nhựa, đồng thời cố gắng tận dụng lại các sản phẩm bị coi là ve chai cho các mục đích khác trong gia đình để vừa tiết kiệm, vừa giảm lượng rác thải nhựa vứt ra môi trường”.

Thực tế cho thấy, trong một sớm một chiều không thể nói không với tất cả rác thải nhựa. Tuy nhiên, mỗi giải pháp thiết thực dù nhỏ cũng sẽ góp phần giúp môi trường trong lành hơn, qua đó dần hình thành ý thức tự giác bảo vệ môi trường để rác thải không còn là vấn nạn nhức nhối ảnh hưởng xấu tới cuộc sống.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương Việt Nam.

Ý kiến bạn đọc