Tiền Giang: Xã Vĩnh Hựu thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường

Thứ 2, 22/01/2024, 01:22 GMT+7

Việc thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau khi sử dụng là một trong những giải pháp hiệu quả hướng đến xây dựng nền nông nghiệp an toàn, bền vững, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thân thiện với môi trường.

Trong trồng trọt, việc sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sinh vật gây hại, bảo vệ cây trồng là vấn đề không thể thiếu. Thực trạng mức độ thâm canh cây trồng ngày càng cao nên nhu cầu sử dụng thuốc BVTV ngày càng gia tăng dẫn đến lượng vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng ngày càng nhiều, kèm theo đó là tình trạng vứt bỏ bao bì, vỏ chai thuốc BVTV tùy tiện trên bờ ruộng hoặc xuống mương sẽ gây ảnh hưởng môi trường.

Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng hướng dẫn về thời điểm, nồng độ, liều lượng... để bảo vệ cây trồng, bảo vệ mùa màng là một trong những biện pháp quan trọng nhất trong hệ thống các biện pháp phòng trừ dịch hại cho cây trồng. Tuy nhiên, phần lớn vỏ bao bì thuốc BVTV đều được làm từ nhựa, nilon rất khó phân hủy, sau khi sử dụng vẫn còn tồn dư một lượng thuốc BVTV nhất định, bị khuếch tán vào nước tưới, nước mưa và thấm vào mạch nước ngầm, gây ô nhiễm trực tiếp hệ sinh thái. Bên cạnh đó, nhiều người dân vẫn còn xem bao bì, vỏ chai đựng thuốc BVTV là một loại rác thải thông thường nên vứt bỏ bừa bãi xuống kênh mương, bờ ruộng, xử lý bằng cách tự đốt hoặc tiêu hủy thủ công.

Với nhu cầu sử dụng các loại thuốc BVTV đang tăng lên từng ngày, bởi các đối tượng dịch hại trên cây lúa như sâu cuốn lá, rầy các loại, bệnh đạo ôn, hay sâu đục thân, sâu đục bắp, sâu ăn lá... ngày càng diễn biến phức tạp, không theo quy luật, đòi hỏi phải phòng trừ liên tục. Thực tế này đòi hỏi ngành Nông nghiệp cần chú trọng công tác thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật nhằm hạn chế những tác động tới chất lượng môi trường, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Theo số liệu thống kê của ngành Nông nghiệp xã, lượng thuốc BVTV sử dụng trên địa bàn xã khoảng 600-700kg/năm và có tất cả 25 bể chứa bao bì vỏ thuốc BVTV sau khi sử dụng. Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, Ủy ban nhân dân xã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng thuốc BVTV, vai trò của các tổ chức, cá nhân liên quan trong thực hiện thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; giảm thiểu nguồn rác thải nguy hại từ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đối với môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.

Vỏ bao bì thuốc BVTV được thu gom về các bể chứa sẽ được ngành chuyên môn vận chuyển để đưa đi tiêu hủy theo đúng quy định. Cùng với việc phát động thu nhặt rác thải độc hại làm sạch đồng ruộng, ngành Nông nghiệp xã còn vận động bà con nông dân thực hiện mô hình “3 giảm, 3 tăng” giảm giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm công lao động; tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế; mô hình quản lý dịch hại tổng hợp và sử dụng thuốc BVTV từ chế phẩm sinh học nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tác hại của thuốc BVTV mang lại, bảo đảm môi trường sản xuất nông nghiệp.

Phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế hiện nay. Vì vậy, việc ngăn ngừa ô nhiễm môi trường từ thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng là một trong những giải pháp quan trọng, tạo bước đột phá góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp một cách bền vững.

Nguồn: Trang Thông Tin Điện Tử Đảng Bộ Huyện Gò Công Tây 

Ý kiến bạn đọc