Tiền Giang phát triển công nghiệp chế biến làm trụ đỡ vững chắc cho nông nghiệp - nông thôn!

Chủ nhật, 25/09/2022, 02:54 GMT+7

Cùng với thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, xúc tiến thương mại, giải quyết đầu ra cho nông sản chủ lực, tỉnh Tiền Giang đặc biệt quan tâm mở mang ngành công nghiệp chế biến phát huy vai trò trụ đỡ vững chắc cho nông nghiệp - nông thôn, đảm bảo nền nông nghiệp của tỉnh tăng trưởng bền vững, hiệu quả.

phát triển công nghiệp chế biến

Xay xát lúa gạo tại Công ty TNHH TM-DV Mỹ Linh ở khu vực Bà Đắc - An Cư.

Công nghiệp chế biến phát triển, làm trụ đỡ vững chắc cho nông nghiệp, nông thôn

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định một trong ba khâu đột phá mang tính chiến lược là tập trung đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực, vùng động lực của tỉnh trên cơ sở nâng cao chất lượng, hiệu quả, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản hàng hóa nói chung. Cụ thể hóa mục tiêu trên, tỉnh Tiền Giang chú trọng hình thành các khu, cụm công nghiệp ở những địa bàn trọng điểm; tăng cường mời gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản lợi thế địa phương: Lương thực - thực phẩm xuất khẩu, thủy hải sản, rau quả, thức ăn chăn nuôi...

Tỉnh hình thành 04 khu công nghiệp, trong đó có 03 khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy trên 92% tổng diện tích; 05 cụm công nghiệp đang hoạt động, trong đó có 04 cụm công nghiệp lấp đầy gần 100% diện tích. Với sự khuyến khích, tạo thuận lợi trong đầu tư, kinh doanh, làm ăn của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, ngành công nghiệp chế biến mũi nhọn của tỉnh đang phát huy vai trò gắn kết vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa, phát triển theo hướng hiện đại, làm hậu cần phát triển nông nghiệp - nông thôn.

Địa phương hiện có trên 500 doanh nghiệp chuyên doanh xay xát, chế biến lúa gạo tiêu dùng và xuất khẩu, tập trung tại các huyện, thị vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp phía Tây là huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè, huyện Châu Thành, thị xã Cai Lậy. Hầu hết doanh nghiệp đều đầu tư dây chuyền tự động hóa từ phơi sấy, phân loại, đánh bóng, tách màu, chọn hạt đến đóng gói sản phẩm, giúp nâng chất lượng hạt gạo hàng hóa đưa ra thị trường. Với sản lượng lúa thu mua hàng năm khoảng 2,6 triệu tấn và chế biến gạo thành phẩm cung ứng thị trường khoảng 1,3 triệu tấn/năm, tỉnh Tiền Giang là một trong những trung tâm tiêu thụ lúa hàng hóa và cung ứng gạo lớn cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Khu vực Bà Đắc - An Cư, huyện Cái Bè tập trung hàng trăm cơ sở chế biến lúa gạo xuất khẩu với sản lượng mỗi năm lên đến hàng triệu tấn gạo, được mệnh danh là "Cảng gạo Đồng Tháp Mười".

Tỉnh thu hút trên 20 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, tổng vốn đầu tư trên 1.200 tỷ đồng, tổng công suất chế biến 165.000 tấn sản phẩm/năm. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản đều đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất khép kín, chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng cao và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Với lợi thế tỉnh được mệnh danh "Vương quốc trái cây", lĩnh vực chế biến trái cây đang hấp dẫn các nhà đầu tư khi địa phương triển khai sâu rộng các giải pháp xúc tiến đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tỉnh Tiền Giang hiện có 14 doanh nghiệp chế biến trái cây đang hoạt động, công suất chế biến vào khoảng 47.000 tấn/năm. Các doanh nghiệp chú trọng hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, chế biến thêm nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: Puree từ trái cây, trà mãng cầu, nước ép bưởi, sản phẩm từ đông trùng hạ thảo...

Ngoài ra, lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi phát triển mạnh, tạo hậu cần vững chắc cho ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản địa phương. Toàn tỉnh hiện có 10 doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đều là những thương hiệu có uy tín trên thị trường trong nước và xuất khẩu, trang bị dây chuyển sản xuất hiện đại bảo đảm sản lượng và chất lượng thức ăn cung ứng thị trường.

Ứng dụng công nghệ tiên tiến gắn kết phát triển nông nghiệp với công nghiệp chế biến

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp gắn kết công nghiệp chế biến phát triển bền vững được tỉnh xem là nhiệm vụ trọng tâm. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2003 - 2020, địa phương triển khai 22 đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học - công nghệ trên các lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật bảo quản và chế biến sản phẩm đóng góp thiết thực vào sản xuất và đời sống.

Trên lĩnh vực trồng trọt tập trung nghiên cứu, ứng dụng các quy trình kỹ thuật chăm sóc - thu hoạch - tuyển chọn - phục tráng các giống cây trồng có chất lượng cao song song với quy hoạch - cải tạo vườn trồng cây ăn trái đặc sản, hình thành những vùng chuyên canh quy mô lớn như: Khóm, sầu riêng, bưởi da xanh, thanh long... xuất khẩu. Với sự phối hợp giữa các cơ quan khoa học như: Viện Cây ăn quả miền Nam, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn..., tỉnh quan tâm nhân giống các cây đầu dòng cung cấp cho nhu cầu sản xuất của nông dân, nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm trừ sâu sinh học, các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp vừa chủ động phòng ngừa sâu bệnh gây hại, hạn chế ô nhiễm môi trường, vừa tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản chủ lực. 

Tỉnh triển khai song song 02 dự án, gồm: "Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ thanh long tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030" và "Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sầu riêng tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030" nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của hai loại trái cây chủ lực có giá trị xuất khẩu, thông qua tổ chức lại sản xuất, chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng cao thay vì chủ yếu xuất khẩu tươi như hiện nay.

Tỉnh quan tâm chọn tạo giống các vật nuôi thế mạnh như: Gà ta, gà ri, dê, cút, tôm, cua, sò huyết... gắn với đổi mới quy trình canh tác, ứng dụng khoa học cao, đồng thời nghiên cứu bảo quản và chế biến nông sản, đa dạng hóa sản phẩm từ nguồn nguyên liệu khóm, xoài, mít, sả... sẵn có tại địa phương nhằm tăng giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm. Ngoài ra, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp chế biến áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, có giải pháp tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong và ngoài nước...

Việc gắn kết nền nông nghiệp hàng hóa với phát triển công nghiệp chế biến giúp địa phương tháo điểm nghẽn về đầu ra nông sản hàng hóa khi thị trường có biến động, nâng cao giá trị gia tăng nông sản chủ lực, đa dạng hóa sản phẩm chế biến, đảm bảo an sinh xã hội và đổi mới nông nghiệp - nông thôn.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, khi trở lại trạng thái bình thường mới, thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, ngành nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng 3,84%, cao nhất trong 05 năm qua. Nông sản hàng hóa thông qua chế biến hoặc xuất tươi đều được tiêu thụ hết, không có tình trạng "tắc nghẽn" khâu lưu thông, nông dân phấn khởi và thúc đẩy thành công chương trình xây dựng nông thôn mới: Trên địa bàn tỉnh có 131/143 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 26 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 03 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới, 03 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh tập trung ứng dụng khoa học - công nghệ phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm gắn với công nghiệp chế biến sâu và dịch vụ nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản chủ lực, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành công nghiệp, chú trọng phát triển các nhóm ngành công nghiệp chế biến nông - thủy sản, thực phẩm... tạo hậu cần vững chắc cho nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng thêm ngành nông - lâm - ngư nghiệp 3,5%/năm, ngành công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng 11,2 - 11,5%/năm.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Tỉnh Tiền Giang

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc