Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch số 371/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 03/4/2023 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Kế hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Mỹ Tho tập trung quán triệt các nội dung của Nghị quyết số 48/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP của Ủy ban nhân dân tỉnh để tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của chiến lược. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 03/04/2023 của Chính phủ với nhiều hình thức, phương thức truyền thông đa dạng, phong phú, hấp dẫn và phù hợp với từng đối tượng, tạo nhận thức sâu sắc về cơ hội, thuận lợi, thách thức, cũng như tiềm năng, lợi thế của vùng biển phía Đông tỉnh để tạo đột phá phát triển bền vững.
Đồng thời, đổi mới tư duy phát triển, đẩy mạnh quyết tâm của các cấp, các ngành, phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu đã đề ra, phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối và liên kết vùng.
Tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về biển, về sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển thông qua các chiến dịch tuyên truyền cao điểm hàng năm. Đưa nội dung giáo dục về tài nguyên, môi trường, chủ quyền biển, đảo vào chương trình giảng dạy ở các cấp học phổ thông, trung học cơ sở nhằm cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản về biển, tài nguyên và môi trường biển nước ta, về sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo cho các tầng lớp học sinh, sinh viên. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tuyên truyền, giáo dục ý thức về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.
Theo Kế hoạch, tỉnh Tiền Giang sẽ tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý tổng hợp tài nguyên biển, tài nguyên vùng bờ thông qua áp dụng các công cụ quy hoạch, kế hoạch, chương trình quản lý tổng hợp.
Tỉnh từng bước khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo về lợi ích khai thác, sử dụng tài nguyên giữa các ngành, các cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và sinh kế của người dân, bảo đảm môi trường biển, các hệ sinh thái biển, ven biển được bảo vệ hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Thực hiện các mục tiêu bảo đảm quốc phòng, an ninh; khai thác, sử dụng tài nguyên biển; bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản và bảo tồn các di sản văn hóa biển.
Hình ảnh minh họa
Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí không gian biển cho các hoạt động phát triển nhanh, đa dạng các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch. Hình thành các tuyến du lịch biển gắn với du lịch văn hóa và tuyến du lịch liên tỉnh, đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng, dịch vụ vận tải biển. Xây dựng lộ trình mở rộng, nâng cấp cảng để có khả năng tiếp nhận các tàu trọng tải lớn, đáp ứng nhu cầu phát triển dịch vụ vận tải biển. Đánh giá, thăm dò, khai thác tài nguyên biển (cát biển và các loại khoáng sản khác) tiết kiệm, hiệu quả. Phát triển ngành thủy sản toàn diện trên các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần thủy sản theo hướng hiệu quả, hiện đại, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế, góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh trên biển.
Đối với công tác bảo vệ môi trường biển và hải đảo, thực hiện định kỳ công tác thống kê, phân loại, quan trắc và đánh giá các loại hình ô nhiễm, tình trạng ô nhiễm, nguồn gây ô nhiễm môi trường biển. Thực hiện điều tra, đánh giá sức chịu tải môi trường biển, xác định cấp độ rủi ro ô nhiễm môi trường biển cho phát triển kinh tế biển; phân vùng rủi ro và lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển; công bố các khu vực biển, hải đảo vượt sức chịu tải môi trường. Tăng cường năng lực và chủ động kiểm soát, giám sát, xử lý các vấn đề môi trường biển của tỉnh bao gồm ô nhiễm môi trường biển, axit hóa đại dương và các vấn đề liên quan khác.
Ưu tiên nguồn lực từ nguồn kinh phí bảo vệ môi trường để triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Đến năm 2030, tỷ lệ thu hồi, xử lý rác thải nhựa tại các bãi biển, khu du lịch biển đạt 100%.
Tăng cường năng lực hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Đến năm 2030, hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp được hoàn thiện, hoạt động hiệu quả và được kết nối và tích hợp dữ liệu với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia. Kiện toàn tổ chức, tăng cường năng lực, hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật, các công cụ, phương tiện, chế tài; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát trong kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.
Cùng đó, tỉnh tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại vùng biển của tỉnh. Bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn, dự kiến đến năm 2030 diện tích rừng ngập mặn khoảng trên 2.000ha. Đẩy mạnh điều tra, đánh giá và xác định mức độ dễ bị tổn thương, tính nguy cấp của các loài sinh vật biển đặc hữu, có giá trị khoa học và kinh tế để đưa ra các phương án, giải pháp bảo vệ, bảo tồn và phục hồi. Đến năm 2030, 100% các khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản được xác định và quản lý hiệu quả.
Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, gây nuôi và buôn bán xuyên biên giới các loài sinh vật biển hoang dã thuộc danh mục cần được bảo tồn. Ngăn ngừa, kiểm soát chặt chẽ và phòng trừ có hiệu quả các loài sinh vật ngoại lai xâm hại; kiểm soát chặt chẽ sự du nhập các giống, loài thủy sản ngoại lai và sự du nhập sinh vật ngoại lai qua hoạt động vận tải biển.
Nguồn: Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường