Thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là cách tiếp cận của chính sách môi trường phổ biến trên thế giới và được đánh giá là công cụ rất hiệu quả trong quản lý rác thải. Hiện EPR đang được kỳ vọng là sự khởi đầu tích cực trong tiến trình thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức để doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
EPR là “chứng chỉ xanh” để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh minh họa
Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á đầu tiên triển khai EPR, khi quy trình này bắt đầu được khởi động vào năm 2022. Để chính sách EPR đi vào cuộc sống, kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được thông qua, cơ quan quản lý, nhà sản xuất, nhập khẩu cũng như các nhà tái chế đã có cuộc “chạy đua với thời gian” để hoàn thiện chính sách và sẵn sàng thực thi.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương hoàn thành các quy định, thiết chế liên quan để thực hiện EPR, như: Thành lập Hội đồng EPR quốc gia, Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia; trình Thủ tướng Chính phủ định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì (Fs); xây dựng Quy chế quản lý, sử dụng tiền đóng góp của nhà sản xuất, nhập khẩu để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải; xây dựng Cổng thông tin EPR quốc gia...
Theo TS. Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TNMT), Giám đốc Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia, đến cuối năm 2023, cơ sở pháp lý thực thi EPR đã cơ bản hoàn thiện. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng hệ thống đăng ký, kê khai, báo cáo trực tuyến. Từ hệ thống này, các nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ thực hiện đăng ký, kê khai, báo cáo trên Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia mà không phải gửi bản giấy về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Để có kết quả trên, thời gian qua, đã có hàng chục cuộc hội thảo, đối thoại, tham vấn, lấy ý kiến của các nhà sản xuất, nhà tái chế, nhà quản lý, giới khoa học cũng như rất nhiều các hội thảo phổ biến, tập huấn cho các nhà sản xuất, nhập khẩu, nhà tái chế được tổ chức ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam.
Theo các chuyên gia, EPR không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.
Chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) Phạm Phú Ngọc Trai cho rằng, thông qua thực hiện EPR sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của đối tác, có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chính sách này cũng giúp gìn giữ nguồn tài nguyên cho tương lai, giảm tốc độ gia tăng rác thải.
Cùng quan điểm trên, ông Lê Anh - Giám đốc Phát triển bền vững Công ty Cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân (DUYTAN Recycling) - khẳng định, EPR chính là lợi thế cạnh tranh quốc gia, là “chứng chỉ xanh” để doanh nghiệp có thể xuất khẩu sang các thị trường lớn và tiêu chuẩn cao, từ đó tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
"EPR sẽ là một trong những biện pháp để giúp Việt Nam thúc đẩy và phát triển nền kinh tế tuần hoàn, cũng như chuyển đổi xanh". Bà Mette Moglestue. Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam
Với tầm nhìn trở thành “một trong những doanh nghiệp tái chế rác thải nhựa lớn nhất Đông Nam Á và thế giới”, hiện nay, DUYTAN Recycling đã thu gom khoảng 180 tấn rác thải nhựa (tương đương khoảng 12 triệu chai nhựa)/ngày để tái chế, làm ra những chai đựng nước uống được. Doanh nghiệp này đã xuất khẩu 60% sản lượng hạt nhựa tái chế của mình sang Mỹ và châu Âu.
Nói về cơ hội cho ngành tái chế của Việt Nam, TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TNMT) - cho rằng, qua thực thi chính sách, Việt Nam sẽ hình thành một nền công nghiệp tái chế chính quy, dần lớn mạnh như kỳ vọng. Bởi, theo quy định, doanh nghiệp tái chế có đủ năng lực, điều kiện mới được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố. Sau đó, các nhà sản xuất, tái chế mới được ký hợp đồng với doanh nghiệp tái chế.
"Điều này sẽ tác động đến các cơ sở tái chế tại làng nghề ở Việt Nam vì sẽ phải tự "làm mới mình", thay đổi công nghệ, tuân thủ pháp luật về môi trường để cạnh tranh trong lĩnh vực tái chế" - TS. Nguyễn Trung Thắng nói.
Là một trong những quốc gia Đông Nam Á đầu tiên áp dụng công cụ EPR, vì vậy, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức đặc thù trong quá trình triển khai thực thi EPR, trong khi các quy định, quy trình mới luôn cần thời gian để triển khai và thực thi một cách thông suốt, hiệu quả.
Các chuyên gia cho rằng, cần phải chuẩn bị rất nhiều để chính sách về EPR có hiệu lực và đi vào thực tế cuộc sống. Một trong số đó là chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng, bởi hạ tầng thu gom sản phẩm, vật liệu sau sử dụng của Việt Nam hiện vẫn còn đang rất yếu. Đồng thời, phải xây dựng một lộ trình phù hợp khi các chính sách về thu gom và tái chế đã bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm nay. Ngoài ra, cần tăng cường sự tham gia của cộng đồng, đẩy mạnh các mô hình đã được chứng minh có hiệu quả trong hoạt động thu gom, tái chế...
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai EPR từ quốc tế, ông Hoàng Thành Vĩnh - cán bộ Chương trình phụ trách chất thải và kinh tế tuần hoàn, UNDP Việt Nam - cho biết, nguyên lý cơ bản để thực thi tốt EPR đó là cân bằng góc độ kinh tế trong hoạt động tái chế, nhằm giúp tạo động lực cho doanh nghiệp đi theo con đường tái chế và nâng cao nhận thức, góp phần giúp cộng đồng tiếp nhận mạnh mẽ hơn các sản phẩm tái chế... Bên cạnh đó, cũng cần sớm ban hành định mức chi phí tái chế Fs và quy định về quản lý nguồn lực EPR.
Liên quan đến việc quản lý Quỹ Fs, bà Chu Thị Kim Thanh - Giám đốc Vận hành Công ty Cổ phần Tái chế bao bì PRO Việt Nam - cho biết, theo đúng luật, việc sử dụng quỹ này để hỗ trợ cho lực lượng thu gom phi chính thức là rất khó, trong khi đối tượng này rất đông đảo. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ giá thu mua phế liệu thu gom, để người lao động có thể tự vận hành công việc của mình. Đồng thời, cần đẩy mạnh truyền thông trong xã hội để thay đổi nhận thức về giá trị công việc của người lao động thu gom phế liệu.
Dưới góc nhìn kinh tế, ông Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Phát triển bền vững và Đổi mới sáng tạo PAN Group - cho biết, cơ cấu tính giá thành sản phẩm trong hoạt động sản xuất có liên quan khi thực thi EPR là một vấn đề được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Bởi, chi phí này không hề nhỏ, đồng nghĩa với việc sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, rất cần cân nhắc, đảm bảo hài hòa giữa yếu tố kỹ thuật, kinh tế và môi trường trong các chính sách để điều chỉnh phù hợp hơn với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thể kiên trì con đường phát triển kinh tế theo hướng bền vững
Nguồn: Theo Báo Kiểm Toán, "Thực thi EPR - Cơ hội và thách thức với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam", đăng ngày 11/04/2024, xem tại link: http://baokiemtoan.vn/thuc-thi-epr-co-hoi-va-thach-thuc-voi-cong-dong-doanh-nghiep-viet-nam-31094.html, truy cập ngày 22/06/2024