Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Thứ 3, 13/06/2023, 07:12 GMT+7

Hiện nay, nhân loại đang phải đối mặt với các thách thức về khủng hoảng kinh tế, cạn kiệt nguồn tài nguyên và biến đổi khí hậu. Để vượt qua các khủng hoảng này, một trong những giải pháp là phải sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, coi chất thải là như là một nguồn tài nguyên.

3R- Xu hướng tất yếu để quản lý tổng hợp chất thải

Trên thế giới, quản lý tổng hợp chất thải đặc biệt là chất đã và đang phát triển mạnh mẽ, trong đó các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải (reduce, reuse, recycle - 3R) được coi là những biện pháp hữu hiệu để hướng tới việc giảm khối lượng chất thải phải chôn lấp, từ đó tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá, đồng thời giảm được các nguy cơ về môi trường. Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 định nghĩa: “KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”. Có thể thấy, mô hình KTTH chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. Từ đó cho thấy, 3R góp phần thực hiện kinh tế tuần hoàn (KTTH) - một xu hướng tất yếu đòi hỏi cấp thiết trong quá trình phát triển của thế giới hiện nay. Mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng đến hoạt động quản lý và tái tạo tài nguyên theo một chu trình khép kín nhằm hạn chế tối đa lượng phế thải, các chất thải được tái chế, trở thành nguyên liệu mới cho sản xuất, từ đó làm giảm các tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người; tận dụng triệt để tài nguyên. Cụ thể, một phần hoặc toàn bộ chất thải sẽ được đưa về vòng sản xuất cũ, cấu trúc lại và tiếp tục được sử dụng, góp phần giảm tiêu thụ nguyên liệu, thu hồi chất thải cho đầu vào sản xuất, đồng thời giảm chi phí chế tạo, sản xuất. Bản chất của mô hình kinh tế tuần hoàn được hình thành bởi 3 nguyên tắc: Bảo tồn và tăng cường vốn tự nhiên; tối ưu hóa lợi nhuận tài nguyên; quản lý hiệu quả hệ thống xử lý chất thải.

Thực trạng xử lý rác thải rắn sinh hoạt hiện nay tại Việt Nam

Hiện nay, trên cả nước có khoảng 400 lò đốt CTRSH, 37 dây chuyền sản xuất phân compost tập trung, trên 900 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Một số cơ sở áp dụng phương pháp đốt CTRSH có thu hồi năng lượng để phát điện hoặc có kết hợp nhiều phương pháp xử lý khác nhau. Về tỷ lệ xử lý chất thải theo các phương pháp xử lý, hiện nay khoảng 71% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (chưa tính lượng bãi thải từ các cơ sở chế biến phân compost và tro xỉ phát sinh từ các lò đốt); khoảng 16% tổng lượng chất thải được xử lý tại các nhà máy chế biến phân compost và khoảng 13% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt và các phương pháp khác.

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Chất thải rắn sinh hoạt cần phải phân loại tại nguồn

Phương pháp chôn lấp, đây là phương pháp đang được áp dụng phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong các bãi chôn lấp hiện nay có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh hoặc các bãi tập kết chất thải cấp xã. Phương pháp chôn lấp vẫn còn được áp dụng chủ yếu tại các đô thị lớn, kể cả TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội. Nhiều bãi chôn lấp tại các thành phố lớn nêu trên hiện đang quá tải, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và thường gặp phải sự phản đối của người dân.

Về phương pháp đốt CTRSH không kết hợp thu hồi năng lượng. Theo công nghệ này, CTRSH được thu gom và đưa vào các lò đốt để thiêu đốt chất thải, giảm đáng kể tỷ lệ chất thải phải chôn lấp. Trong các lò đốt CTRSH hiện nay chỉ có khoảng trên 77% có công suất trên 300 kg/h, đáp ứng yêu cầu theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 61:2016/BTNMT về lò đốt CTRSH. Nhiều lò đốt, đặc biệt là lò đốt cỡ nhỏ không có hệ thống xử lý khí thải hoặc hệ thống xử lý khí thải không đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường. Trong thời gian qua có một số địa phương đã đầu tư các lò đốt cỡ nhỏ để xử lý CTRSH ở quy mô cấp xã, nhiều lò đốt trong số này không đáp ứng yêu cầu tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 61:2016/BTNMT về lò đốt CTRSH. Ngoài ra, còn do năng lực vận hành của các công nhân còn yếu kém, không tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật (như nhiệt độ cháy theo yêu cầu) hoặc không vận hành hệ thống xử lý khí thải nên dẫn đến không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Nhiều phương án cho xử lý rác đã có tại Việt Nam

Về phương pháp xử lý kết hợp thu hồi năng lượng, hiện nay nhiều địa phương đang khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng và 6 đưa vào vận hành các cơ sở xử lý CTRSH bằng phương pháp đốt phát điện. Theo đánh giá của các chuyên gia, phương pháp này áp dụng có hiệu quả đối với khu vực có lượng CTRSH phát sinh từ 400 - 500 tấn/ngày trở lên; trước mắt nên tập trung phát triển tại vùng kinh tế phát triển, các đô thị lớn, khối lượng chất thải phát sinh nhiều.

Phương pháp ủ sinh học xử lý chất thải rắn hữu cơ, hiện trên cả nước có 37 cơ sở xử lý tập trung áp dụng phương pháp này. Ngoài ra, phương pháp này còn được áp dụng tại quy mô nhỏ lẻ tại các vùng nông thôn, miền núi. Hiện nay, sản phẩm phân vi sinh hữu cơ của một số nhà máy khu vực phía Nam được tiêu thụ khá tốt, chủ yếu là dùng cho các cơ sở lâm nghiệp, cây công nghiệp, góp phần giảm lượng chất thải phải xử lý, đồng thời tạo ra sản phẩm tái chế cho các mục đích khác. Tuy nhiên, tại các cơ sở chế biến phân vi sinh hữu cơ thường sử dụng các dây chuyền phân loại, điều này thường dẫn đến phát sinh mùi hôi cần phải kiểm soát. Ngoài ra, trong khi một số có thể sản xuất sản phẩm có sức tiêu thụ khá tốt thì một số khác không tiêu thụ được sản phẩm.

Bài học tại một số quốc gia

Singapore: Dùng công nghệ đốt rác phát điện Để tiết kiệm diện tích đất cũng như giảm lượng rác phải chôn lấp, Singapore triển khai biện pháp đầu tư vào công nghệ đốt rác phát điện. Theo thống kê của Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore (NEA), mỗi ngày nước này thải ra khoảng 21.023 tấn rác các loại. Trong đó, 58% lượng rác được đưa đến các nhà máy tái chế, 41% đem đến những nhà máy đốt rác phát điện, 1% không đốt được mang đến bãi chôn lấp tại đảo Semakau để xử lý.

Đức: Phân loại rác theo màu, cơ hội kinh doanh Phân loại rác theo màu, gọi là sáng kiến “Green Dot”. Theo đó, rác sẽ được đựng trong các mầu khác nhau để phân loại rác hữu cơ có thể phân hủy; Rác thải khó phân hủy không chứa chất độc hại; Thùng đựng các loại chất dẻo; Thừng đựng báo cũ, tạp chí cũ, tờ rơi, sách cũ, bao bì bằng giấy, hoặc bìa cứng; Thùng đựng thủy tinh.

Đối với các loại rác cồng kềnh, khó xử lý như đồ nội thất không được phép vứt bừa bãi, mà phải gọi cho công ty môi trường đến thu gom, tân trang và bán ở các khu chợ đồ cũ. Khi phân loại không đúng, rác sẽ không được thu gom. Nếu bị các công ty môi trường phát hiện vứt rác bừa bãi, người dân có thể bị phạt tiền.

Thụy Điển: Nhập thêm rác nhà máy tái chế rác thải Thụy Điển là nước đi đầu ở châu Âu trong xử lý rác thải. Phần lớn người dân có thùng phân loại rác ngay tại gia đình. Rác thải thực phẩm cũng sẽ được tách ra để tái sử dụng hoặc tái chế. Rác đã được phân loại sẽ được tập kết tới những thùng chứa đặc biệt ở các tòa nhà, khu dân cư và sau đó được chuyển tới địa điểm tái chế. Nước này thậm chí còn nhập khẩu rác để có đủ nguyên liệu cho các nhà máy tái chế để hoạt động. Chỉ 1% rác thải ở Thụy Điển bị thải ra môi trường, 99% còn lại được thu gom để tái chế và xử lý tạo ra năng lượng

Áo: Sử dụng enzyme để tái chế rác nhựa Áo rất chú trọng phát triển các công nghệ tiên tiến để xử lý rác thải. Một công ty công nghệ sinh học của nước này đã phát triển phương pháp sử dụng enzyme từ vi khuẩn để tái chế nhựa PET, loại nhựa thường được dùng để sản xuất chai nhựa đựng nước dùng một lần. Dưới tác động của enzyme, nhựa PET sẽ bị phân hủy thành phân tử và sau đó có thể dễ dàng chuyển đổi lại thành nhựa chất lượng cao. Enzyme vốn không có độc chất, dễ phân hủy và có thể sản xuất số lượng lớn. Do vậy, việc phát hiện ra loại enzyme đột biến có thể phân hủy nhựa PET, được coi là một bước đột phá trong việc tái chế nhựa.

Một số giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Khuyến khích tái chế và tái sử dụng: Xây dựng các chương trình khuyến khích người dân phân loại chất thải và thúc đẩy việc tái chế và tái sử dụng các vật liệu như giấy, nhựa, kim loại, và thủy tinh. Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất và tiếp thị các sản phẩm tái chế,…

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Tạp chí TN&MT- đơn vị tích cực tuyên truyền về giải pháp xử lý chất thải sinh hoạt

Phát triển công nghiệp chế biến chất thải đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt: Khuyến khích đầu tư và phát triển các nhà máy chế biến chất thải để tách và tái chế các thành phần của chất thải sinh hoạt. Điều này sẽ tạo ra nguồn cung mới cho các nguyên liệu tái chế và giúp giảm tải lên môi trường.

Xây dựng hệ thống quản lý chất thải hiệu quả: Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ xử lý chất thải để tối ưu hóa quá trình xử lý và tái chế. Sử dụng các công nghệ tiên tiến như xử lý sinh học, xử lý nhiệt, hay công nghệ chất thải thành năng lượng để tạo ra sản phẩm tái chế và năng lượng sạch.

Khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo: Tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo từ chất thải rắn sinh hoạt, như biogas từ quá trình phân hủy sinh học, để sản xuất điện và nhiệt. Việc sử dụng năng lượng tái tạo giúp giảm sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch và giảm khí thải nhà kính.

Tăng cường hợp tác công- tư: Thúc đẩy hợp tác giữa chính phủ, các doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ để đầu tư và triển khai các dự án xử lý chất thải và tái chế. Hợp tác này có thể bao gồm việc chia sẻ tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm để tạo ra sự phát triển bền vững và hiệu quả.

Thúc đẩy kinh doanh xanh: Khuyến khích sự phát triển các doanh nghiệp và dự án kinh doanh xanh liên quan đến xử lý chất thải rắn sinh hoạt và kinh tế tuần hoàn. Điều này bao gồm các ngành công nghiệp tái chế, công nghệ xanh, sản xuất sản phẩm từ chất thải, và các dịch vụ quản lý chất thải.

Cuối cùng, xây dựng đối tác quốc tế: Hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế trong lĩnh vực xử lý chất thải và kinh tế tuần hoàn. Việc chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ, và tài nguyên giúp tăng cường khả năng xử lý chất thải và mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh quốc tế.
 

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc