Thúc đẩy hành động của thanh niên vì biến đổi khí hậu!

Thứ 3, 01/11/2022, 08:18 GMT+7

 Báo cáo “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu 2022” cập nhật các hoạt động của đoàn viên, thanh niên về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, Báo cáo trình bày vai trò, cơ hội của thanh niên trong quá trình tham gia nghiên cứu hoạch định chính sách; những khó khăn, thách thức và hướng giải quyết.

biến đổi khí hậu 

Lễ công bố Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu 2022”. Ảnh: TL

Ngày 1/11, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Lễ công bố Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu 2022”.

Giống như bản báo cáo năm 2021, bản báo cáo năm nay được viết bởi 24 tác giả trẻ tiêu biểu trên cả nước. Báo cáo gồm bốn chủ đề chính: Thanh niên với chính sách khí hậu và quá trình ra quyết định, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải hướng tới phát thải ròng bằng “0”, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Các tác giả đã nghiên cứu hơn 130 sáng kiến và dự án khí hậu do thanh niên khởi xướng, là những trường hợp điển hình về hành động khí hậu thiết thực do thanh niên thực hiện.

Các tác giả cũng xác định một số giải pháp thúc đẩy cần ưu tiên triển khai, gồm việc thành lập nhóm công tác của thanh niên về chính sách khí hậu, xây dựng các chương trình giáo dục và nâng cao năng lực về biến đổi khí hậu, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các dự án do thanh niên lãnh đạo.

Theo Báo cáo đặc biệt lần này, thanh niên đang đối mặt với hai khó khăn chính: Hạn chế tài chính, thiếu kiến thức kỹ thuật và kỹ năng. Báo cáo cũng đề xuất các hướng giải quyết, như phát triển cổng kết nối thông tin tài chính biến đổi khí hậu dành cho thanh niên, thúc đẩy vai trò của thanh niên trong quản trị khí hậu và ngoại giao khí hậu và xây dựng bộ tài liệu chuyên ngành dành cho thanh niên.

Phát biểu tại lễ công bố, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT cho biết, biến đổi khí hậu diễn ra trên quy mô toàn cầu và nhanh hơn so với dự báo, tác động đến mọi mặt, cả về kinh tế, xã hội, chính trị, ngoại giao, an ninh của mỗi quốc gia.

Theo Thỏa thuận Paris, kể từ năm 2021, các quốc gia đều có trách nhiệm thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc thực hiện cam kết theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Tại Hội nghị COP26 tại Glasgow, cùng với nhiều quốc gia, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0”, tham gia Cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu cùng nhiều sáng kiến khác trong xu thế phát triển tất yếu của thế giới về chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển phát thải thấp. Nhận thức rõ những tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã có những hành động tích cực, chủ động để hiện thức hóa các cam kết trên.

Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cũng cho biết, để thực hiện được các cam kết này, không chỉ cần sự định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ mà còn cần sự quyết tâm, nỗ lực, chung tay của tất cả các thành phần kinh tế - xã hội mà trong đó, các đoàn viên, thanh niên – lực lượng tiên phong, những chủ nhân tương lai của đất nước, đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Mỗi hành động của các đoàn viên, thanh niên dù là nhỏ nhất nhưng có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thay đổi nhận thức và tạo động lực mạnh mẽ để chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội sang hướng kinh tế các-bon thấp, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu.

Bà Ramla Al Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cam kết hỗ trợ thanh niên Việt Nam, đảm bảo các mối quan tâm và ý tưởng của họ được lắng nghe, đồng thời tiếp tục hợp tác với thanh niên để tận dụng khả năng sáng tạo của họ nhằm thúc đẩy hành động vì biến đổi khí hậu. UNDP không những đặc biệt quan tâm đến các hoạt động của thế hệ trẻ mà đây còn là nghĩa vụ trong việc đảm bảo rằng thanh niên và các thế hệ tương lai sẽ được sống trong một tương lai công bằng, xanh và bền vững./.

Nguồn: https://dangcongsan.vn/

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc