Thừa Thiên Huế: Phó Chủ tịch Quốc hội khảo sát thực địa tại huyện A Lưới về thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Thứ 2, 24/07/2023, 07:11 GMT+7

Sáng ngày 21/7, trong chương trình công tác tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Đoàn giám sát của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát thực địa và làm việc với huyện A Lưới về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2021-2025.

Tham dự buổi làm việc cùng Đoàn công tác có Uỷ viên thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân; Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh.

Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng nêu bật những thành quả sau 3 năm triển khai thực hiện các CTMTQG trên địa bàn huyện. Theo đó, hạ tầng nông thôn đã được tăng cường đầu tư, diện mạo nông thôn có bước khởi sắc. Đời sống của Nhân dân từng bước được cải thiện; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo… Cuối năm 2022, trên địa bàn huyện có 5.399 hộ nghèo chiếm 38,2%, trong đó, hộ nghèo DTTS là 5.137 hộ chiếm 95,1%. Các công trình, dự án thuộc các Chương trình MTQG không được bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng cho nên trong quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) huyện A Lưới giai đoạn 2021-2025 thực hiện 03 CTMTQG là 846.498 triệu đồng (ngân sách trung ương: 686.128 triệu đồng, ngân sách địa phương đối ứng: 160.370 triệu đồng).

Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng, kiến nghị với Đoàn công tác một số nội dung như: Đề nghị bố trí kinh phí thực hiện Dự án 5 về Chương trình nhà ở năm 2022 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Xem xét bổ sung Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là đối tượng thụ hưởng kinh phí thực hiện các nội dung về giáo dục nghề nghiệp thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Xem xét chỉnh sửa, bổ sung định mức hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thông tin rõ hơn về quá trình thực hiện 3 CTMTQG, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, xác định việc thực hiện CTMTQG là nhiệm vụ quan trọng, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo bền vững, thành lập Ban chỉ đạo Giảm nghèo bền vững của tỉnh; UBND tỉnh đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo các CTMTQG giai đoạn 2021-2025; 100% UBND cấp huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo các CTMTQG. Phương châm chỉ đạo là có sự hỗ trợ từ tuyến trên. Ngoài ra, việc lồng ghép 3 CTMTQG hướng đến mục tiêu giảm nghèo, nhằm xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Riêng quá trình thực hiện ở A Lưới, tỉnh xác định 3 nội dung cốt lõi đó là hoàn thiện hạ tầng, kỹ thuật để phục vụ sản xuất; xóa nhà tạm; tạo ra sinh kế cho người dân. Các chỉ tiêu khác từng bước điều chỉnh. Hiện nay, nguồn lực phân bổ cũng tập trung cho A Lưới, nếu khó khăn, tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cũng thông tin về tình hình giải ngân nguồn vốn năm 2023 của tỉnh; theo đó, đến ngày 19/7/2023 tỉ lệ giải ngân của tỉnh là 34,2%, đứng thứ 5/18 tỉnh thành, thuộc tốp đầu của cả nước. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, việc thực hiện 3 CTMTQG còn nhiều khó khăn, hạn chế, điển hình là tiến độ xây dựng, ban hành thể chế, chính sách, hướng dẫn quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương còn chưa kịp thời…

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền tỉnh và huyện trong việc thực hiện 3 CTMTQG. Tỉnh đã có nhiều cách làm hay, xác định rõ các mục tiêu đột phá, tạo chuyển biến từ nhận thức đến tư duy sản xuất cho người dân, tạo lòng tin trong Nhân dân. Tuy huyện A Lưới chưa thoát nghèo theo chuẩn mới nhưng bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, các chỉ tiêu về sản xuất, giảm nghèo, giải ngân vốn đầu tư công khá tốt.

“Tỉnh lấy giảm nghèo làm trung tâm, đây là định hướng đúng và sáng tạo. Để đạt được mục tiêu, tỉnh sẵn sàng làm thay huyện, huyện sẵn sàng làm thay xã. Đó cũng là cách làm hay”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, địa phương cần nhận thức quá trình lồng ghép các chương trình cần phù hợp hơn, đặc biệt là các nguồn vốn, trong đó vốn đối ứng và vốn lồng ghép.

Về định hướng sắp tới, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: “Địa phương cần tập trung các chiến lược đột phá để tạo sự phát triển bền vững cho A Lưới, từ đó tạo ra đề án khả thi hơn và thực hiện từng bước. Tương lai do chúng ta tạo ra, để kiến tạo được tương lai cần có chiến lược, kế hoạch đúng đắn và thực hiện cho bằng được”.

Ngoài ra, tỉnh cần tiếp tục xác định thực hiện các chương trình là nhiệm vụ chính trị thường xuyên và lâu dài; tăng cường giáo dục, tuyên truyền để tạo động lực cho hệ thống chính trị, đặc biệt là huy động nguồn lực từ người dân. Tiếp tục phát huy cách làm hay, huy động nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các mục tiêu để tính toán lại tiêu chí, nhất là tiêu chí cho vùng đặc thù. Từng bước ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, khai thác thế mạnh tài nguyên thiên nhiên, phát huy truyền thống cách mạng, anh hùng của vùng đất A Lưới. Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc ở A Lưới.

Một số hình ảnh về buổi khảo sát:

Nguồn: Nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên Huế

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc