Thủ tướng: "Dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi nhưng chúng ta phải cố gắng gấp ba!"

Thứ 7, 14/03/2020, 01:46 GMT+7

Sẵn sàng để đón nhận cơ hội sau dịch bệnh, như “chiếc lò xo bị nén lại để bung ra”

Thủ tướng cho biết, đã nhận được được một số thông tin cho rằng một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… sẽ sớm phục hồi sản xuất rất nhanh, do đó, chúng ta phải đón bắt thời cơ này, “như chiếc lò xo bị nén lại, chúng ta phải chuẩn bị tâm thế vươn lên, biến nguy cơ thành thời cơ”. Một ý chí mới, một tinh thần, khát vọng phát triển mạnh mẽ khi chúng ta đã qua đại dịch. “Chúng ta phải có thắng lợi kép, vừa chống dịch thành công, vừa giữ vững kinh tế-xã hội, chuẩn bị mọi điều kiện để phát triển”, Thủ tướng nói. 

Nhấn mạnh tinh thần “dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi nhưng chúng ta phải cố gắng gấp ba”, Thủ tướng cho biết: “Chúng ta sẽ có chương trình tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện, giảm chi phí cho doanh nghiệp, kể cả miễn, giảm thuế, phí, lãi suất vay, giãn hoãn nợ, cho chậm nộp, kể cả thuế, phí bảo hiểm, đặc biệt là những lĩnh vực ngành nghề chịu tác động nặng nề do dịch bệnh Covid-19”, Thủ tướng cho biết. Sự hỗ trợ phải có chọn lọc, không cào bằng, không dàn đều.

Đồng thời chuẩn bị một chương trình toàn diện, kỹ càng phục hồi kinh tế sau khi dịch kết thúc, đặc biệt những ngành nghề thiệt hại nặng cần tập trung hơn, bao gồm cả chương trình kích cầu.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp có các kịch bản để bảo đảm hoạt động doanh nghiệp liên tục, không bị gián đoạn vì bất cứ tình huống nào.

Giải phóng các nguồn lực bị “ách tắc”

“Chính các bạn, những nhà đầu tư, những doanh nghiệp phải thúc đẩy quá trình ấy bằng trí tuệ, nghị lực của mình. Tôi rất vui mừng là các đồng chí không hề bi quan”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ tại cuộc làm việc với các tập đoàn tư nhân ngày 12/3. Bối cảnh nhiều lĩnh vực đình trệ như hiện nay cũng là lúc dành thời gian khai thông những phần việc đang “tắc”, để sau khi trải qua giai đoạn “chiếc lò xo nén lại”, các nguồn lực được bung ra hết sức, tạo đà cho việc phát triển kinh tế.

Không phải ngẫu nhiên, ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam nói rằng đây là “thời cơ vàng” để sửa chữa hạ tầng đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất nhằm “đón đầu đợt tăng trưởng mới” sau dịch bệnh.

Còn lãnh đạo một tập đoàn nhà nước cũng chia sẻ: “Đây là cơ hội để chúng tôi đẩy mạnh chế tạo các sản phẩm cơ khí mà trước đây phải nhập khẩu từ Trung Quốc”.

Những dự án đang đắp chiếu, nằm im lìm bấy lâu cũng cần phải được đánh thức để tạo động lực cho tăng trưởng giai đoạn tới đây. Nếu những dự án nguồn điện đang mòn mỏi nằm trên bàn nhiều cơ quan có thẩm quyền được phê duyệt, sẽ là cơ hội để giảm áp lực cung ứng điện trong tương lai.

Còn ở tầm vĩ mô, lúc khó khăn này, việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh càng phải được quan tâm hơn nữa. Bởi dư địa cho cải cách còn nhiều, trong khi khó khăn về thủ tục lâu nay vẫn là rào cản cho doanh nghiệp phát triển. Dỡ bỏ được nút thắt này càng sớm, thì khả năng phục hồi của doanh nghiệp càng nhanh, càng mạnh sau khi dịch bệnh đi qua.

Trong bối cảnh hiện nay, cần thúc đẩy chuyển đổi số thật nhanh và mạnh. Đây là thời cơ hiếm có. Chỉ trong 1 tháng qua, tỉ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến của doanh nghiệp tăng từ 12% lên 24%, tỷ lệ vượt gấp đôi trong vòng 20 năm qua. Có nghĩa, có những công việc chúng ta chỉ quyết và làm được trong lúc khó khăn. Nhân đà này, chúng ta nên thực hiện một số lĩnh vực gây ranh cãi mãi như thanh toán không dùng tiền mặt, cấp chứng chỉ qua mạng, mobile money, đấu giá tần số,...

Đó cũng là kiến nghị của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân khi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, để khi dịch chấm dứt, doanh nghiệp “rộng tay, rộng chân hơn để phát triển”. Làm được điều này, sau khi dịch bệnh qua đi, nền kinh tế có thể phát triển nhanh hơn theo hình chữ V, chứ không phải chầm chậm theo hình chữ U.

Trong nguy luôn có cơ, người dân và cả Nhà nước cần chung tay, tìm sáng kiến để cùng nhau vượt qua vận hạn này.

Hình ảnh minh họa (nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=BtulL3oArQw)

Nguồn: tổng hợp 

Ý kiến bạn đọc