Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp các-bon thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ 6, 07/10/2022, 08:57 GMT+7

Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước cơ hội chuyển sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững với môi trường. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), điều này không những giúp Việt Nam hiện thực hoá cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26 mà còn giúp sản phẩm nông nghiệp đáp ứng được xu thế tiêu dùng mới của thị trường nhập khẩu.

Phát biểu tại hội thảo Chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: Với Nghị quyết 120 của Chính phủ được ban hành năm 2017, Việt Nam đã đạt được một cột mốc đột phá, đánh dấu sự khởi đầu chuyển từ cách tiếp cận phòng chống thiên tai thường thấy sang mô hình “chủ động sống chung với thiên nhiên”. Đến nay, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thời tiết thay đổi lớn hơn cùng với nhiễm mặn đã được coi là bình thường mới của Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, bắt đầu có sự chuyển đổi trong tư duy, tầm nhìn và cách tiếp cận đối với phát triển và quy hoạch ở cấp vùng: Từ quy mô nông hộ nhỏ và quan điểm của tỉnh sang liên tỉnh và toàn vùng; từ quan điểm ngành ngắn hạn sang cách tiếp cận dài hạn, đa ngành và tổng hợp. Nền tảng của sự chuyển đổi này là quy hoạch tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long và chương trình tổng thể chuyển đổi nông nghiệp vùng - bà Carolyn Turk khẳng định.

Trong báo cáo “Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo các-bon thấp” vừa công bố, WB nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan và thường xuyên hơn ở Việt Nam. Trong bối cảnh nông nghiệp cũng là một trong những ngành phát thải khí nhà kính lớn, việc tạo điều kiện cho nông nghiệp Việt Nam chuyển đổi sang một con đường bền vững hơn, các-bon thấp là cần thiết và ngày càng cấp bách. Đặc biệt, đối với ngành sản xuất lúa gạo, hai giải pháp chính giúp cắt giảm lượng khí thải phù hợp với Việt Nam là cải thiện hệ thống tưới tiêu, quản lý nước nông nghiệp (AWD), và quản lý đầu vào, áp dụng “1 phải 5 giảm” (phải sử dụng hạt giống được chứng nhận; giảm lượng hạt giống, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước được sử dụng và giảm thất thoát sau thu hoạch).

nông nghiệp các bon thấp

Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng phát thải thấp, đặc biệt trong trồng lúa gạo sẽ giúp Việt Nam giảm phát thải đáng kể

Bên cạnh đó, một số giải pháp quan trọng khác như: Mở rộng quy mô sử dụng các công nghệ kỹ thuật số thích hợp; chuyển từ độc canh sản xuất lúa ở những vùng đất không thuận lợi/không phù hợp sang các mặt hàng khác như nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm, hay trồng trái cây và rau màu; thúc đẩy các thực hành sau thu hoạch bền vững như giảm đốt rơm rạ/trấu, cải thiện cơ sở hạ tầng sấy và xay lúa, giảm cường độ sử dụng năng lượng không thể tái sinh.

Ở tầm bao quát, ngành nông nghiệp cần thúc đẩy việc áp dụng công nghệ nông nghiệp thông minh với khí hậu (CSA). Mở rộng quy mô các giải pháp này sẽ làm giảm hơn nữa lượng khí thải nhà kính, khí mê tan trong nông nghiệp, đồng thời mang lại cùng lúc nhiều lợi ích. Một trong số đó là giúp sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của những thị trường có giá trị cao trên thế giới. Kinh nghiệm của WB cho thấy, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, thông qua phân bổ đầu tư công và tạo môi trường thuận lợi cho sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp xanh và hiện đại.

Thời gian tới, Ngân hàng Thế giới sẽ triển khai một dự án mới ở đồng bằng sông Cửu Long nhằm hỗ trợ giải quyết các thách thức về quản lý tài nguyên nước và xây dựng sinh kế nông nghiệp trong thời kỳ biến đổi khí hậu. Dự án sẽ ưu tiên các giải pháp mang tính liên vùng để đạt được các mục tiêu đặt ra trong kế hoạch tổng thể của khu vực và mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam.

Nguồn: Cổng thông tin Bộ TN&MT

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc