Thành Phố Huế: Lắp đặt gần 500 thùng phân loại chất thải rắn!

Thứ 7, 10/09/2022, 03:46 GMT+7

Hiện nay, đã có 468 thùng phân loại chất thải rắn được lắp đặt tại 156 điểm công cộng tại 23 phường xã trên địa bàn Thành Phố Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế). Dự án “Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) khởi động vào năm 2021.

thành phố huế phân loại rác tại nguồn

Trên cơ sở đó, Dự án đã đồng hành với UBND TP. Huế triển khai chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn nhằm giảm thiểu lượng rác thải phát sinh, tăng tỷ lệ tái chế, tiết kiệm tài nguyên và góp phần làm cho Huế xanh, sạch, sáng hơn.

Chất thải rắn sinh hoạt được các hộ gia đình phân loại thành 3 nhóm chính, bao gồm: Nhóm chất thải nguy hại; Nhóm chất thải tái chế, tái sử dụng (rác thủy tinh và các loại rác tái chế còn lại) và Nhóm chất thải còn lại. Đối với nhóm chất thải nguy hại và nhóm chất thải tái chế, tái sử dụng, các hộ gia đình mang đến các điểm lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại ở 156 vị trí lắp đặt trên địa bàn và bỏ vào các thùng theo quy định. Cụ thể thùng màu cam: thùng chứa chất thải nguy hại, thùng màu xám: thùng chứa rác thuỷ tinh, thùng màu trắng: thùng chứa rác tái chế, tái sử dụng.

Rác nguy hại được Công ty Môi trường và Công trình Đô thị Huế (HEPCO) thu gom và vận chuyển bằng xe chuyên dụng theo tần suất tối thiểu 6 tháng/lần và đột xuất theo khối lượng thực tế; rác tái chế thủy tinh và rác tái chế, tái sử dụng được HEPCO thu gom và vận chuyển đến nơi xử lý theo tần suất tối thiểu 1 tuần/lần. Đối với nhóm chất thải còn lại (gồm chất thải rắn hữu cơ và các loại khác) vẫn được thu gom theo thường lệ.

Để chương trình đi vào thực tiễn, Dự án “Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” đã cùng phối hợp với UBND TP. Huế tổ chức lớp tập huấn cho các cán bộ nòng cốt tại các phường, xã hướng dẫn cách thức phân loại rác tại nguồn (PLRTN) và truyền thông về PLRTN và giảm thiểu rác thải nhựa.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án “Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” được xây dựng với sự tài trợ của WWF-Na Uy (thông qua WWF-Việt Nam) và tiếp nhận bởi UBND TP. Huế nhằm mục tiêu hỗ trợ TP. Huế bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa, thông qua một loạt các biện pháp can thiệp với sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các khối công tư, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương. Kết quả mong đợi là đến năm 2024, Huế trở thành Đô thị Giảm Nhựa với 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý, đồng thời rác tái chế từ bãi chôn lấp được đẩy mạnh thu hồi.

Nguồn: Tổng Cục Môi Trường
 

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc