Thành phố Hà Tĩnh: Hiệu quả từ mô hình bể thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật

Thứ 3, 25/07/2023, 09:32 GMT+7

Xuất phát từ hiện trạng rác thải thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) chưa được thu gom và xử lý đúng cách, phần lớn bị xả thải trên đồng ruộng và không được quản lý, xử lý như loại chất thải nguy hại, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Tĩnh, Hội Nông dân, Ủy ban Nhân dân các xã, phường phối hợp thực hiện Mô hình thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Vào cuộc quyết liệt

Với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh gần 140 nghìn ha, nông nghiệp đang là ngành nghề chủ lực thu hút lượng lớn lực lượng lao động. Tuy nhiên, ngoài việc mang lại những giá trị nhất định, ngành nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đang gia tăng sức ép lên môi trường với tình trạng rác thải thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi phần lớn bao bì thuốc bảo vệ thực vật đều làm từ nhựa, nilon rất khó phân hủy, sau khi sử dụng vẫn còn tồn dư một lượng thuốc nhất định, bị khuếch tán vào đất, nước tưới và thấm vào mạch nước ngầm, gây ô nhiễm trực tiếp hệ sinh thái. Nhưng ý thức, nhận thức của nông dân còn chưa cao dẫn đến việc tùy tiện vứt vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ra đồng ruộng, kênh mương,...

Theo số liệu từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Hà Tĩnh, trung bình mỗi năm, nông dân Hà Tĩnh sử dụng gần 220 tấn thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh, điều này đồng nghĩa một số lượng lớn bao bì, chai lọ bị thải ra. Sau khi sử dụng, người dân thường có thói quen vứt các loại bao bì, chai, lọ này ngay trên đồng ruộng, dưới mương nước,…

Thành phố Hà Tĩnh: Hiệu quả từ mô hình bể thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật

Các lực lượng ra quân thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật tại thành phố Hà Tĩnh

Trước thực trạng này, tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra nhiều phương án, trong đó, đáng nói đến là mô hình xây dựng bể thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật ngay tại nơi sản xuất.

Theo đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Tĩnh, Hội Nông dân đã phối hợp thực hiện Mô hình thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Phòng Tài nguyên và Môi trường là đầu mối chính, quản lý và chịu trách nhiệm thuê đơn vị có chức năng (giấy phép quản lý chất thải nguy hại) để thu gom và xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh. Hội Nông dân có trách nhiệm vận hành tổ công tác thu gom rác thải vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật từ các điểm tập kết trên đồng ruộng về bể tập trung thuận tiện cho đơn vị thu gom sau mỗi mùa vụ. Dự kiến 2-3 lần/năm.

Với mục tiêu nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng và thải bỏ rác thải thuốc thuốc bảo vệ thực vật; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng, thu gom, vận chuyển và xử lý lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật; phòng ngừa ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; 100% các xã, phường (có diện tích đất sản xuất nông nghiệp) trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh có bể chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; 100% vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom vào bể chứa và được xử lý theo quy định.

Thành phố Hà Tĩnh: Hiệu quả từ mô hình bể thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật

Mô hình thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật tại thành phố Hà Tĩnh

Theo đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Tĩnh, giai đoạn 1 (từ tháng 11/2022 - 5/2023), xây dựng cơ sở vật chất và vận hành mô hình với: 07 bể lớn 6-12m3; 195 bể nhỏ 0,6m3, trong đó Dự án (mô hình xây dựng bể/lu bê tông) hỗ trợ 105 bể; 08 xe đẩy rác thu gom từ bể nhỏ về bể lớn; 80 bộ dụng cụ bảo hộ lao động; 40 cuộc tuyên truyền do địa phương tự thực hiện; 16 tổ đội quản lý các bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật; hơn 400 nông dân trực tiếp tham gia thu gom. Giai đoạn 2 (từ tháng 5/2023 - 12/2023), tiếp tục tuyên truyền vận động, địa phương xây dựng bổ sung 270 bể nhỏ còn thiếu, tích cực thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các bể nhỏ trên đồng ruộng về bể tập trung. Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Tĩnh bàn giao rác thải cho đơn vị có chức năng thu gom và xử lý, đồng thời giám sát, đánh giá kết quả.

Và những kết quả ban đầu

Theo đánh giá của Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Tĩnh, mô hình trên đã góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa; giảm thiểu ô nhiễm đất, nguồn nước từ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong bao bì sau sử dụng. Đồng thời, tăng cường quản lý rác thải từ sản xuất nông nghiệp, mô hình có tính bền vững và có khả năng nhân rộng.

Trong năm 2022, Dự án đã hỗ trợ xây dựng 105 bể nhỏ có thể tích (0,6m3) chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng; 08 xe vận chuyển rác về điểm tập trung; 08 gói dụng cụ bảo hộ lao động cho các phường xã,...

Sau khi tiếp nhận cơ sở vật chất và các dụng cụ bảo hộ, Hội Nông dân tại 08 xã phường đã xây dựng tổ thu gom rác và bảo vệ môi trường với mục tiêu thu: Vận động nông dân tại địa bàn thu gom rác vào các bể nhỏ - chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đã lắp đặt tại đồng ruộng; tổ có nhiệm vụ gom toàn bộ lượng rác tại các bể nhỏ sau mỗi mùa vụ về bể tập trung và liên lạc với Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố để thu gom và xử lý đúng quy định đối với toàn bộ lượng rác này. Phòng TN&MT là đầu mối chính, quản lý và chịu trách nhiệm thuê đơn vị có chức năng (giấy phép quản lý CTNH) để thu gom và xử lý vỏ bao bì thuốc BVTV trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh. Hội Nông dân có trách nhiệm vận hành tổ công tác thu gom rác thải vỏ bao bì thuốc BVTV từ các điểm tập kết trên đồng ruộng về bể tập trung thuận tiện cho đơn vị thu gom tới thu gom sau mỗi mùa vụ. Dự kiến 2-3 lần/năm.

Thành phố kỳ vọng khi hoàn thành, dự án sẽ thực hiện thu gom triệt để rác thải thuốc bảo vệ thực vật trên toàn thành phố với khối lượng 01 tấn/năm. Toàn bộ lượng rác thải nguy hại này sẽ được xử lý bằng phương pháp phù hợp bởi đơn vị có chức năng trên địa bàn tỉnh bằng nguồn vốn ngân sách của thành phố.

Theo Báo cáo của Hội Nông dân thành phố Hà Tĩnh, trong Quý I/năm 2023, số lượng thu gom đạt 525 kg ở 08 xã tham gia được hỗ trợ xây dựng các bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Đến tháng 5/2023 dự án đã hỗ trợ xây dựng 07 bể tập trung với thể tích từ 6-12m3 để gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trước khi vận chuyển đi xử lý.

Thành phố Hà Tĩnh: Hiệu quả từ mô hình bể thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật

Các bể thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh

Trong thời gian tới, Dự án tiếp tục làm việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Tĩnh để thúc đẩy quản lý, thu gom và xử lý toàn bộ lượng rác này theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, Dự án tiếp tục hỗ trợ xây dựng 08 bể tập trung bao bì thuốc bảo vệ thực vật trước khi vận chuyển đi xử lý, có kích thước 6-12m3/bể. Hội Nông dân có trách nhiệm thu gom vỏ bao bì từ các bể nhỏ trên đồng ruộng về bể chứa tập trung, trung chuyển rác thải. Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Tĩnh có trách nhiệm thực hiện hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom, xử lý toàn bộ vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định của pháp luật.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh cho biết, việc xây dựng bể thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật đã góp phần hạn chế đáng kể tình trạng vứt bừa bãi trên đồng ruộng gây ô nhiễm đất, nguồn nước. Hà Tĩnh đã và đang đặt quyết tâm, cùng với các hoạt động bảo vệ môi trường, sẽ có những giải pháp hỗ trợ để chặn nguồn ô nhiễm từ thuốc bảo vệ thực vật, đưa công tác bảo vệ môi trường đạt được những hiệu quả thực chất nhất, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân và phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Được biết, Hà Tĩnh đang phấn đấu và nỗ lực xây dựng làm mô hình điểm để các địa phương khác đến tham quan, học tập. Dự kiến, sau Hà Tĩnh sẽ có một số mô hình tương tự triển khai, thực hiện ở Rạch Giá, Kiên Giang.

Nguồn: www.tainguyenvamoitruong.vn

 

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc