Thanh Hóa: “Tuyên truyền vận động nhân dân xử lý rác thải thân thiện với môi trường”

Thứ 4, 05/04/2023, 10:04 GMT+7

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói chung, huyện Quảng Xương nói riêng việc phân loại xử rác thải hữu cơ vẫn là một trong những vấn đề nóng. Nhận thấy được tầm quan trọng của việc xử lý rác thải thân thiện với môi trường, vừa qua, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp phối hợp với Hội Nông dân huyện Quảng Xương tổ chức tập huấn “Tuyên truyền vận động nhân dân xử lý rác thải thân thiện với môi trường”. Tham dự buổi tập huấn có các đồng chí lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Thanh hóa, lãnh đạo Hội Nông dân huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm DVNN huyện và trên 200 hội viên Hội Nông dân các xã Quảng Định, Tiên Trang, thị trấn Tân Phong.

Các nội dung được triển khai tại buổi tập huấn: 

Nội dung 1: Phương pháp xử lý gốc rạ trên đồng ruộng bằng chế phẩm nấm Trichoderma (trong điều kiện không ngập nước):

Bước 1: Chuẩn bị chế phẩm Trichoderma

Cách pha và lượng dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Dạng nước: Nên dùng dung dịch Trichoderma 1% (1 phần Trichoderma pha với 100 phần nước). Dạng bột: Nên trộn theo tỷ lệ 1 phần Trichoderma với 20-30 phần bột đất mịn. Dạng viên nén: Ngâm thành dung dịch theo hướng dẫn của nhà sản xuất rồi sử dụng như dạng dung dịch

Bước 2: Rắc hoặc phun đều hỗn hợp Trichoderma lên ruộng

Bước 3: Cày ruộng

Cày ruộng ngay sau khi phun dung dịch sau 3 ngày. Giữ ruộng ẩm nhưng không ngập nước trong 2-3 tuần (Ruộng ngập nước sẽ làm chết nấm Trichoderma). Xem dự báo thời tiết để đảm bảo không có mưa to trong vòng 3 ngày kể từ khi dùng chế phẩm Trichoderma. Nếu có mưa to trong 3 tuần sau khi dùng chế phẩm Trichoderma, hãy kiểm tra và thoát nước nếu ruộng bị ngập nước.

Bước 4: Làm đất và cấy lúa

Sau 3 tuần, tiến hành làm đất và cấy lúa như thông thường.

Xử lý rác thải

Buổi tập huấn tại xã Quảng Định

Nội dung 2: Ủ phân hữu cơ từ rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng khác ngay tại ruộng sử dụng chế phẩm sinh học:

Bước 1: Chuẩn bị địa điểm và chế phẩm sinh học

Chọn một góc ruộng hoặc bờ ruộng, nơi gần nguồn nước, dễ vận chuyển rơm và các phụ phẩm cây trồng khác.

Ví dụ: Nếu ủ rơm hoặc các loại phụ phẩm cây trồng dễ phân hủy như lá, rễ cây: sử dụng 250ml Trichoderma hoặc 250g Trichoderma cho 1 tấn phụ phẩm cây trồng. Nếu ủ các loại phụ phẩm cây trồng khác khó phân hủy như phụ phẩm từ trồng hoa, trồng cây: sử dụng 500ml Trichoderma hoặc kết hợp 250g Trichoderma và 250g Emuniv/Sumitri cho 1 tấn phụ phẩm cây trồng.

Chuẩn bị lượng rỉ mật bằng 2 lần lượng chế phẩm.

Bước 2: Thu gom phụ phẩm cây trồng

Bước 3: Chuẩn bị dung dịch chế phẩm sinh học

Đọc hướng dẫn của nhà sản xuất để biết nồng độ pha chế phẩm sinh học. Nếu muốn có dung dịch chế phẩm sinh học 1% => Pha loãng 1 phần chế phẩm sinh học với 2 phần rỉ mật và 100 phần nước.

Bước 4: Chuẩn bị ống thông khí và cách chèn vào đống ủ

Thông thường, quá trình ủ phân sẽ kéo dài khoảng 2- 2,5 tháng và cần đảo đống ủ ít nhất 2 lần để giúp thông khí đống ủ. Tuy nhiên, việc sử dụng ống thông khí có thể giúp rút ngắn quá trình ủ phân từ 4 tháng xuống còn 2,5 tháng, đồng thời cũng sẽ hoàn toàn không cần đảo đống ủ - vì vậy sẽ tốn ít công sức hơn. Ống thông khí có thể bằng cọc tre, nứa hoặc ống nhựa, đường kính khoảng 5cm.

Bước 5: Xếp lớp phụ phẩm cây trồng thành đống và tưới chế phẩm sinh học

Chất đống rơm hoặc các phụ phẩm cây trồng khác thành từng lớp 25-30cm – mỗi lớp cao ngang chiếc ủng. Sau mỗi lớp nên tưới dung dịch chế phẩm sinh học đã chuẩn bị. Nếu nước không rỉ qua kẽ tay sau khi bạn nắm chặt một nắm phụ phẩm cây trồng, hãy tưới thêm nước. Trong khi xếp lớp, chèn cọc tre đục lỗ theo số lượng và khoảng cách dự kiến ở bước 4.

Bước 6: Che phủ đống ủ

Che phủ đống ủ bằng bạt hoặc nilon trùm qua ống thông khí để tránh nước mưa. Không cần che phủ quá kín để đảm bảo không khí có thể lưu thông.

Bước 7: Kiểm tra độ ẩm đống ủ hàng tuần

Nắm chặt một nắm phân ủ trong tay rồi mở tay ra nếu phân ủ rời rạc, thì nó bị quá khô. Nếu luống ủ của bạn quá khô, hãy bổ sung thêm chút nước

Bước 8: Thu hoạch phân ủ đã hoai và rải trên ruộng

Để nguyên đống ủ đó khoảng 2,5 tháng. Nếu phân ủ: có màu nâu đen; hoàn toàn tơi xốp; cảm thấy mát khi sờ vào khi đó phân ủ đã sẵn sàng để sử dụng.

Nội dung 3: Lên men phụ phẩm cây trồng thành thức ăn trong chăn nuôi:

Bước 1: Chuẩn bị thùng chứa

Chuẩn bị hố, bể, thùng hoặc túi nhựa ở vị trí cao, khô ráo, thuận tiện

Bước 2: Chuẩn bị nguyên liệu (Chọn và cân nguyên liệu)

Bước 3: Cắt nhỏ phụ phẩm cây trồng

Bước 4: Phơi tái phụ phẩm cây trồng

Bước 5: Trộn và xếp nguyên liệu thành lớp và ủ

Bước 6: Bảo quản và cho gia súc ăn.

Qua buổi tập huấn người dân được hiểu hơn và tầm quan trọng khi rác thải hữu cơ nếu được xử lý một cách hợp lý sẽ giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên, tạo nguồn thức ăn trong chăn nuôi, làm nguyên liệu sản xuất phân ủ rất tốt cho cây trồng và thân thiện với môi trường. Tăng lợi ích kinh tế, giảm chi phí trong quá trình phân loại, vận chuyển, xử lý rác thải. Vì vậy, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tuyên truyền tích cực tham gia xử lý rác thải đúng cách, thay đổi thói quen trong phân loại rác thải, tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có, bảo vệ môi trường xung quanh.

Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Huyện Quảng Xương 

 

Xem thêm: 

1. Hà Nam: Hướng dẫn các phương pháp xử lý rác hữu cơ

2. Khánh Hòa: Khuyến khích phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc