Hiện nay, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã và đang mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí, tài nguyên khoáng sản, năng lượng và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, dù việc sử dụng vật liệu mới đã có được những kết quả nhất định nhưng do chưa thay đổi thói quen của người tiêu dùng và thiếu cơ chế ưu đãi nên việc mở rộng quy mô sản xuất còn hạn chế.
Khai thác, sản xuất cát kết tại xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên, Thái Nguyên).
Triển khai thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung, đến nay, 9/9 huyện, thành phố của tỉnh Thái Nguyên đã xóa bỏ lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ mất an toàn lao động. Cùng với đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị chuyên môn tăng cường sử dụng vật liệu không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung tại các công trường xây dựng. Do vậy, thời gian qua, các công trình sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đã sử dụng gạch không nung để thi công.
Ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, cho biết, 100% các công trình do Ban Quản lý làm chủ đầu tư đã đưa gạch không nung vào thi công. Qua đánh giá chất lượng các công trình, chúng tôi nhận thấy sản phẩm gạch không nung đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn của vật liệu xây dựng.
Từ hiệu quả đó, hiện nay, các ngành chức năng của tỉnh đang xem xét đề nghị của Công ty CP Nhiệt điện Cao Ngạn và Công ty CP Tập đoàn An Khánh để cho phép sử dụng trên 3 triệu m³ tro xỉ đáy từ sản xuất nhiệt điện làm vật liệu phụ gia sản xuất gạch không nung và vật liệu san lấp thông thường. Ứng dụng này giúp các doanh nghiệp sản xuất vật liệu giảm giá thành sản phẩm. Mặt khác, các nhà máy nhiệt điện vừa không phải lo mở rộng bãi đổ thải, vừa có thêm nguồn thu.
Ông Nguyễn Thái Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP CLT Group, thông tin, chúng tôi sử dụng khoảng 10% tro xỉ đáy của nhà máy nhiệt điện, kết hợp với các nguyên liệu khác để sản xuất gạch không nung. Với sự kết hợp tính năng của các loại vật liệu và công nghệ ép hiện đại, các sản phẩm gạch không nung đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn về độ bền, độ giãn nở, yêu cầu về mỹ thuật và giá thành cạnh tranh.
Từ thực tiễn nghiên cứu và ứng dụng trong quá trình thi công, các ngành chức năng của tỉnh khuyến khích các nhà thầu trên địa bàn chủ động, tích cực sử dụng vật liệu không nung, tái sử dụng, xử lý tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện, gang thép để làm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp, làm đường giao thông. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường.
Theo đánh giá của PGS.TS Phạm Xuân Yên, nguyên giảng viên cao cấp Khoa Silicat, Đại học Bách khoa Hà Nội, để góp phần hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải ròng, việc tái sử dụng chất thải công nghiệp làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng là rất cần thiết. Trong đó, một số doanh nghiệp đã ứng dụng sản xuất gạch tuynel bằng công nghệ mới thân thiện với môi trường khá hiệu quả, vì sử dụng được các nguyên liệu là chất thải của một số ngành công nghiệp khác. Đơn cử như việc tỉnh Thái Nguyên sử dụng xỉ nhiệt điện, tro đáy làm nguyên liệu đầu vào trong quá trình sản xuất vật liệu xây dựng là hướng đi rất đúng, đem lại nhiều lợi ích thiết thực.
Hiện nay, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có chính sách phát triển các mỏ cát nhân tạo (cát kết) để sử dụng rộng rãi trên địa bàn, với mục tiêu nhằm giảm dần lượng cát khai thác từ sông, suối. Kỹ sư mỏ địa chất Nguyễn Văn Đạt cho biết, trữ lượng cát kết trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên lên đến hàng chục triệu m³, đáp ứng cơ bản được nhu cầu về chất lượng, giá thành vật liệu trong xây dựng. Một ý nghĩa khác là chủ trương sử dụng phổ biến cát kết trong xây dựng trên địa bàn tỉnh sẽ giúp bảo vệ cảnh quan sông, suối, hạn chế tình trạng sạt lở.
Cùng với đó, UBND tỉnh tiếp tục yêu cầu các ngành, địa phương tiến hành rà soát, đề xuất để hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá liên quan đến lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng gắn với phát triển bền vững. Trong đó, tỉnh ưu tiên phát triển các công nghệ tiên tiến, hiện đại, mức độ tự động hóa cao, sử dụng tối đa công nghệ số, công nghệ Nano, sử dụng nhiên liệu tái chế, các loại chất thải công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, sinh hoạt để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, tiêu tốn ít nguyên liệu, năng lượng, nhiên liệu; các sản phẩm cách âm, cách nhiệt, thân thiện với môi trường, vật liệu không nung, sản phẩm tái chế…
Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Xây dựng là tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh về cơ chế, chính sách để từng bước phát triển các loại vật liệu xây dựng thay thế vật liệu tự nhiên. Khi thực hiện tốt vấn đề này, Thái Nguyên sẽ khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Nguồn: ximang.vn