Những năm gần đây, các nhà máy sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại thay thế công nghệ cũ, lạc hậu; vừa sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên khoáng sản, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Thái Nguyên hiện có 5 doanh nghiệp sản xuất xi măng. Trong đó, 3 nhà máy sử dụng công nghệ lò quay đang hoạt động làCông ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn; Công ty CP Xi măng La Hiên – VVMI và Công ty CP Xi măng Quán Triều – VVMI. Hai doanh nghiệp còn lại gồm: Công ty CP Xi măng Cao Ngạn và nhà máy Xi măng Lưu Xá đã tạm dừng hoạt động nhà máy sản xuất xi măng bằng công nghệ lò đứng nhiều năm nay và chỉ duy trì hệ thống nghiền clinker.
Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin, các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh đều đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo đúng quy định. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất xi măng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao. Do vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thường xuyên phối hợp với các sở ngành, địa phương kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, lấy mẫu đột xuất khí thải tại các nhà máy, đôn đốc hướng dẫn khắc phục tồn tại hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm. Qua đó, việc chấp hành quy định pháp luật môi trường của các đơn vị đã từng bước được nâng lên.
Công nhân Công ty CP Xi măng La Hiên VVMI kiểm tra, vận hành hệ thống lò quay.
Trao đổi với ông Nguyễn Sóng Gió, Phó Giám đốc Công ty CP Xi măng Quán Triều VVMI cho biết, để xử lý bụi phát tán ra môi trường, Công ty đã lắp đặt hệ thống dập bụi tại các tuyến đường nội địa; trang bị các thiết bị lọc bụi túi, lọc bụi tĩnh điện tại các nguồn phát sinh trong mỗi công đoạn sản xuất, đảm bảo khống chế nồng độ bụi thải ra môi trường đạt 30 - 50 mg/Nm3, bụi thu về qua hệ thống lọc bụi tiếp tục được xử lý để trở thành sản phẩm xi măng. Công ty cũng lắp đặt hệ thống chống rung, chống ồn, đệm cao su, lò xo chống rung đối với các quạt gió, mấy nghiền, máy đập; xây dựng tường cách âm, cách nhiệt và trồng cây xanh xung quanh khuôn viên nhà máy; tiến hành kiểm tra, đo đạc các yếu tố môi trường trong lao động, đánh giá các yếu tố nguy hiểm độc hại…
Kết quả kiểm tra năm 2019, trong môi trường lao động có 11/118 mẫu không đạt tiêu chuẩn vệ sinh lao động, chiếm tỷ lệ 9%, trong đó: bụi 4/25 mẫu, vi khí hậu 6/24 mẫu, ồn rung 1/23 mẫu… Để giải quyết tình trạng này, Công ty đã lắp thêm quạt thông gió, khung cửa kính và tăng công suất của quạt thông gió tại các vị trí có mẫu không đạt về nồng độ bụi, triển khai lắp đặt các thiết bị tiêu âm tại các vị trí có tiếng ồn vượt quá tiêu chuẩn cho phép… Đến nay, Công ty đã lắp đặt 35 bộ thiết bị xử lý bụi và 3 bể xử lý nước thải. Hàng năm, bố trí kinh phí từ 8 đến 9 tỷ đồng để sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị bảo đảm môi trường.
Tương tự, tại Công ty CP Xi măng La Hiên VVMI, để đảm bảo môi trường lao động, năm 2019 Công ty đã đầu tư 13 tỷ đồng xây dựng hệ thống quan trắc bụi, khí thải tự động; duy trì hệ thống phun tưới nước dập bụi tại các tuyến đường nội bộ; đất đá thải trong quá trình khai thác được tập trung tại bãi chứa thải, không để rơi vãi ra khu vực xung quanh và trên đường vận chuyển; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện thu gom, phân loại và xử lý rác thải, chất thải rắn phát sinh trong quá trình sản xuất; nước làm mát trong các công đoạn nghiền xi măng và làm mát máy móc, thiết bị phụ trợ được thu gom và sử dụng tuần hoàn cho sản xuất; thu gom, tái sử dụng bột liệu, xi măng kết tảng phát sinh trong quá trình vận chuyển, sản xuất... Do vậy, nồng độ bụi phát tán ra môi trường xung quanh và trong khu sản xuất luôn đảm bảo dưới tiêu chuẩn cho phép.
Công nhân Công ty CP Xi măng Cao Ngạn sản xuất gạch ốp lát đô thị.
Trong khi đó, Công ty CP Xi măng Cao Ngạn lại lựa chọn cho mình một hướng đi mới trong chiến lược phát triển doanh nghiệp. Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Công ty nói, nhận thấy nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của công nghệ xi măng lò đứng, từ năm 2010, Công ty chỉ duy trì trạm nghiền clinker để sản xuất xi măng và gạch lát đô thị. Hiện sản xuất xi măng chỉ chiếm 30% tỷ trọng và doanh thu của doanh nghiệp. Nhờ đó, từ một cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm cao hiện doanh nghiệp đã trở thành mô hình "nhà máy không ống khói", có điều kiện để đầu tư sang các mảng kinh doanh thương mại, dịch vụ, giúp cho doanh nghiệp vẫn đảm bảo mức tăng trưởng về doanh thu trên 10% mỗi năm...
Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, đến nay, chỉ còn Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn chưa lắp đặt hệ thống quan trắc tự động. Qua theo dõi kết quả quan trắc tự động khí thải của 4 đơn vị truyền về Sở cho thấy cơ bản các thông số quan trắc đều đạt quy chuẩn cho phép, có một số thời điểm vẫn còn chỉ tiêu vượt chuẩn nhưng không liên tục, chỉ có tính thời điểm trong thời gian ngắn, nguyên nhân chủ yếu do sự cố sụt điện áp nên hệ thống xử lý bụi hoạt động không ổn định.
Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn lắp đặt hệ thống quan trắc tự động theo quy định. Đồng thời, yêu cầu các nhà máy phải tiếp tục duy trì vận hành đầy đủ các hệ thống xử lý khói bụi; thường xuyên kiểm tra và kịp thời khắc phục ngay các nguy cơ để xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường. Mặt khác, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ tăng cường việc kiểm tra giám sát, nếu đơn vị nào vi phạm, không tuân thủ nghiêm ngặt, đầy đủ theo quy trình sản xuất và giấy phép được cấp gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Nguồn: ximang.vn