Thái Bình: Khai thác khoáng sản phải gắn với bảo vệ môi trường

Thứ 5, 13/10/2022, 13:42 GMT+7

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản tại Thái Bình có nhiều chuyển biến tích cực. Phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Ngoạn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình xung quanh vấn đề này.

Xin ông đánh giá khái quát về tiềm năng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Bình?

Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Bình gồm nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, than nâu, khí và cát làm vật liệu xây dựng thông thường,… Đối với nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, than nâu và khí là do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. UBND tỉnh quản lý nhà nước và cấp phép đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, cụ thể là cát lòng sông và ven biển.

bảo vệ môi trường

Ông Hoàng Văn Ngoạn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình

Hiện nay trên địa bản tỉnh có 08 mỏ cát được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác gồm Mỏ cát xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư (cấp cho Công ty cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Thăng Long); Mỏ cát số 04 xã Hồng An, huyện Hưng Hà và Mỏ cát Dốc Văn, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà (Công ty Cổ phần Cát Đại Lợi); Mỏ cát ven biển xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình (Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hà Thành UDIC); Mỏ cát biển Thụy Trường 03, xã Thụy Trường, Thái Thụy (Công ty Cổ phần xây lắp Sao Việt); Mỏ cát biển Thụy Trường 02, xã Thụy Trường, Thái Thụy (Công ty TNHH MTV KD VLXD Sao Đỏ);  Mỏ cát xã Việt Thuận và Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, Thái Bình và Mỏ cát biển Thụy Trường 01, xã Thụy Trường, Thái Thụy  (Công ty Cổ phần SHC).

Vấn đề quản lý khai thác khoáng sản và lắp đặt trạm cân, camera giám sát đối với các mỏ khai thác khoáng sản đã được tỉnh thực hiện ra sao?

Về vấn đề quản lý khai thác khoáng sản, hàng năm Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cục thuế tỉnh trao đổi và cung cấp thông tin về sản lượng khai thác của các Doanh nghiệp theo báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản và báo cáo thuế tài nguyên theo Quy chế phối hợp số 1685/QCPH-CT-STNMT ngày 26/5/2016. Trường hợp vi phạm sẽ xử lý theo quy định pháp luật. 

bảo vệ môi trường

Các tàu khai thác cát ở huyện Thái Thuỵ

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên tuần tra, kiểm tra hoạt động khai thác cát trên các tuyến sông Hồng, Luộc, Hóa, Trà Lý và ven biển địa bàn tỉnh Thái Bình theo Chương trình, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh. 

Việc lắp đặt trạm cân, do đặc điểm địa hình, vị trí mỏ cát nằm dưới lòng sông và ven biển nên rất khó trong việc lắp đặt trạm cân, vì vậy tại điểm a Khoản 17 Điều 2 Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ đã bỏ việc xử lý vi phạm hành chính đối với việc lắp đặt trạm cân đối với khai thác cát sỏi lòng sông.

Việc lắp đặt camera giám sát chỉ áp dụng lắp đặt tại các kho chứa, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ. Các doanh nghiệp hầu như không sử dụng kho chứa, còn nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ là dưới lòng sông, không thể lắp đặt camera.

bảo vệ môi trường

Một bãi tập kết cát ven sông ở thành phố Thái Bình

Công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản rất quan trọng, vấn đề này được sở quan tâm như thế nào, thưa ông?

Hầu hết các dự án khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh đều được Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Phương án hoặc Đề án cải tạo phục hồi môi trường trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện.

Trong quá trình khai thác, hàng năm Sở Tài nguyên và Môi trường đều chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở theo Kế hoạch được Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt trong đó có các cơ sở khai thác khoáng sản. Ngoài ra, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành các Văn bản đôn đốc các cơ sở thực hiện nghiêm các yêu cầu của phương án cải tạo phục hồi và ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường theo quy định. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp gửi báo cáo công tác cải tạo phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường hàng năm về Sở Tài nguyên và Môi trường để quản lý, giám sát và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ngoài ra hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đều chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức tuyền truyền pháp luật về bảo vệ môi trường cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Phối hợp với Sở Công thương, Ủy Ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh thực hiện tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường đến các doanh nghiệp, các hội, đoàn thể, nhân dân trong tỉnh và với Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để theo dõi công tác cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản.

Nguồn: Tạp chí Tài Nguyên và Môi Trường

Ý kiến bạn đọc