Tập huấn kiểm kê khí nhà kính trong sản xuất thực phẩm và đồ uống

Thứ 6, 24/03/2023, 07:58 GMT+7

Ngày 15/3, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo tập huấn về "Kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) cho doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và đồ uống”.

Tập huấn kiểm kê khí nhà kính trong sản xuất thực phẩm và đồ uống

Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại hội thảo

Mục tiêu của hội thảo nhằm giới thiệu các quy định pháp luật, hướng dẫn kiểm kê KNK cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm và đồ uống, cũng như giải pháp hướng tới kinh tế tuần hoàn.

Theo các nghiên cứu, phát thải từ lĩnh vực sản xuất thực phẩm và đồ uống (FnB) chiếm khoảng 26% lượng khí thải toàn cầu, con số này có thể tăng gần gấp đôi vào năm 2050 so với hiện nay.

Phát thải KNK từ ngành FnB chủ yếu từ các nguồn: Sản xuất và chế biến thực phẩm, vận chuyển và lưu trữ, cũng như xử lý chất thải thực phẩm; sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, năng lượng cần thiết cho chế biến thực phẩm và vận chuyển các sản phẩm thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng KNK bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đã đề lộ trình giảm phát thải KNK tầm quốc gia và tầm lĩnh vực.

Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định, đến năm 2030, Việt Nam phải giảm 43,5% lượng phát thải KNK so với kịch bản phát triển thông thường, và đến năm 2050 sẽ đạt phát thải ròng bằng 0.

Để đạt được mục tiêu này, Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã đưa ra các yêu cầu về kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính với các doanh nghiệp.

Theo đó, các cơ sở phát thải lớn theo Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sẽ phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan đến phục vụ kiểm kê KNK của năm 2022 trước ngày 31/3 của năm 2023.

Bên cạnh đó, cơ sở cũng phải xây dựng thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải KNK giai đoạn 2023 – 2025 phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh. Việc giảm nhẹ sẽ bắt buộc từ năm 2026, bởi vậy, doanh nghiệp khi triển khai kế hoạch này cũng đồng thời có sự chuẩn bị đầu tư công nghệ trong sản xuất, xây dựng đội ngũ nhân lực thực hiện. Đây cũng là cơ sở để doanh nghiệp có thể tham gia thị trường các bon, tăng thêm nguồn tài chính để tái đầu tư sản xuất.

Tập huấn kiểm kê khí nhà kính trong sản xuất thực phẩm và đồ uống

Các đại biểu thực hành tính toán kiểm kê khí nhà kính

Chia sẻ về hiện trạng ngành FnB tại Việt Nam, bà Akiko Ishii, chuyên gia đào tạo lĩnh vực tư nhân, Dự án SPI - NDC cho biết:  Việt Nam là quốc gia tăng trưởng nhanh thứ 3 ở Châu Á về chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống, đóng góp 15,8% vào tổng GDP toàn quốc (2021). Tổng chi tiêu cho FnB chiếm tỷ trọng cao nhất trong chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng – khoảng 35%.

Với khung pháp lý liên quan đến báo cáo khí phát thải KNK, chương trình đào tạo giúp đại diện doanh nghiệp có một nền tảng kiến thức chung nhất về các quy định có liên quan về báo cáo phát thải khí nhà kính, cũng như những phương pháp xác định cụ thể cho từng ngành nghề lĩnh vực. Thông qua đó, các doanh nghiệp niêm yết có thể sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ báo cáo của mình với các cơ quan liên quan.

Tại hội thảo, các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản đã chia sẻ các quy định cụ thể về giảm phát thải KNK, các phương pháp, công cụ tính toán kiểm kê KNK, các biện pháp giảm nhẹ phát thải của các doanh nghiệp tiên phong sản xuất xanh, sạch… Các đại biểu cũng thực hành tính toán giả định kiểm kê phát thải KNK của một nhà máy bia.

Một số biện pháp và công nghệ hướng tới tuần hoàn phù hợp cho ngành FnB là công nghệ tuần hoàn nước thải, sử dụng nước hợp lý trong chuỗi giá trị; chuyển đổi bao bì bằng chất liệu có thể tái chế, giảm khối lượng, dễ phân hủy; tăng hiệu suất sử dụng năng lượng và chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo. Để giảm chất thải có thể tăng hiệu quả bảo quản lsau thu hoạch, tạo ra thực phẩm và nguyên liệu mới đa dạng hơn…

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Tài Nguyên và Môi Trường

Ý kiến bạn đọc