Ngày 06/10/2022, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 7274/KH-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, đảm bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Nha Trang giai đoạn 2022-2025 với mục tiêu:
- Phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững. Sử dụng hiệu quả, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên, chủ động phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu.
- Chủ động phòng ngừa và kiểm soát hạn chế các nguồn gây ô nhiễm, giải quyết các vấn đề môi trường tại khu vực đô thị, khu dân cư nông thôn.
- Nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong hoạt động bảo vệ môi trường. Tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư, góp phần thay đổi hành vi, thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni-lông khó phân hủy; khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các mô hình tự quản về bảo vệ môi trường; vận động, kêu gọi dân cư thực hiện tập kết rác thải sinh hoạt đúng nơi, đúng giờ quy định.
Nội dung của Kế hoạch yêu cầu các phòng, ban và UBND các xã, phường; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn thành phố lập kế hoạch thực hiện, lồng ghép các nội dung, nhiệm vụ được giao vào kế hoạch công tác chung của từng đơn vị, địa phương. Trong đó, chú trọng thực hiện một số các hoạt động cụ thể như sau:
- Tiên phong, gương mẫu thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ngay tại công sở, bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại các cơ quan, đơn vị; chất thải nhựa và các chất thải khác có thể tái chế không được để lẫn với chất thải hữu cơ; khuyến khích xây dựng và thực hiện các mô hình kiểu mẫu để làm cơ sở nhân rộng cho các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực và địa bàn quản lý;
- Gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc nhựa,... dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường;
- Truyền thông nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị về phân loại, thu gom, giảm thiểu rác thải; nghiêm túc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.
Để đạt được các mục tiêu và yêu cầu nêu trên, Kế hoạch đề ra 7 giải pháp và nhiệm vụ thực hiện gồm:
- Xây dựng kế hoạch tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý môi trường.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý môi trường, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin hồ sơ môi trường.
- Đầu tư, thay thế nâng cấp trang thiết bị phục vụ hoạt động quan trắc tự động môi trường không khí, môi trường nước trên địa bàn.
- Nâng cao chất lượng góp ý các dự án đầu tư, chú trọng các án có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư; nâng cao năng lực, hiệu quả thẩm định đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường.
- Tăng cường kiểm tra sau cấp giấy phép môi trường, bảo đảm các dự án trước khi đi vào hoạt động phải hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định.
- Chú trọng công tác bảo vệ môi trường tại Cụm công nghiệp từ khâu quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng. Các Cụm công nghiệp, các dự án lớn trước khi đi vào vận hành phải có công trình xử lý chất thải (nước thải, khí thải) đạt Quy chuẩn môi trường.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ tại các khu vực nằm trong khu dân cư tập trung. Không để phát sinh mới cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.
- Kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường theo quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng tại các khu đô thị, các công trình công cộng.
- Phối hợp triển khai nhanh việc đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo công nghệ tiên tiến.
- Đầu tư trang thiết bị, phương tiện thu gom rác, đảm bảo mục tiêu thu gom 100% rác thải phát sinh.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hoá hoạt động thu gom rác trên địa bàn.
- Đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với quản lý, vận hành Bãi chôn lấp rác Lương Hoà, xã Vĩnh Lượng.
- Mở rộng Bãi chôn lấp Lương Hoà lấy đất tại khu vực mở rộng để phục vụ cho bãi chôn lấp hiện hữu. Về lâu dài, khu vực mở rộng này sẽ hướng đến đầu tư Nhà máy xử lý rác thải, góp phần nâng cao hiệu quả xử lý rác phát sinh trên địa bàn thành phố.
- Vận hành hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phía Nam thành phố Nha Trang, đạt công suất 40.000 m3/ngày đêm đảm bảo Quy chuẩn môi trường.
- Hoàn thiện mạng lưới thu gom nước thải cấp 3 khu vực Trung tâm và phía Nam để thu gom nước thải về Nhà máy xử lý phía Nam. Nâng cao tỷ lệ đấu nối nước thải vào hệ thống để thu gom xử lý.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án khai thác khoáng sản phải có phương án cải tạo, phục hồi môi trường và tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật về khoáng sản; thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường theo quy định.
- Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.
- Đầu tư nâng cấp, cải tạo các công trình cung cấp nước sạch hiện có, đảm bảo tỷ lệ dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%.
- Cập nhật bổ sung cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học, danh mục các loại ngoại lai xâm hại, kiểm soát các loại ngoại lai xâm hại.
- Tăng cường công tác tuyên truyền không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp các loại động vật hoang dã. Phối hợp với các tổ chức Quốc tế tuyên truyền, bảo vệ các loài nguy cấp, quy hiếm được ưu tiên bảo vệ.
- Trồng và bảo vệ rừng: Tăng cường công tác tác trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tăng lỷ lệ che phủ trừng trên 13,15 %. Trồng mới rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển.
- Xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn thành phố.
- Kiểm tra, giám sát yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh có tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố tràn dầu phải lập Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định.
- Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu chất thải, phân loại chất thải, chất thải nhựa; phối hợp các tổ chức chính trị-xã hội xây dựng phong trào đảm vảo vệ sinh môi trường; vận động người dân, cộng đồng dân cư hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.
- Tập trung công tác tuyên truyền, vận động các Trung tâm thương mại, Siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh, khách sạn, nhà hàng, khu du lịch và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, du lịch,… trên địa bàn cam kết thu gom tập kết rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Cam kết giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường.
Phòng Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ tham mưu UBND thành phố theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nội dung của Kế hoạch; tổng hợp và báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện Kế hoạch của các cơ quan, đơn vị.
Các Phòng: Quản lý đô thị, Kinh tế, Văn hóa - Thông tin, Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý dịch vụ Công ích, Ban Quản lý Vịnh Nha Trang, Công an thành phố Nha Trang, Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao, đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, UBND các xã, phường, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nha Trang, các tổ chức hội, đoàn thể thuộc thành phố có trách nhiệm phối hợp thực hiện Kế hoạch theo chức năng, lĩnh vực phụ trách./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Thành Phố Nha Trang