Là một trong những vấn đề khó giải quyết, đầu lọc thuốc lá đã qua sử dụng được các nhà khoa học nghiên cứu và tìm cách tái chế để hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.
Ảnh minh họa
Đầu lọc thuốc lá là một trong những mối nguy lớn đến môi trường. Một đầu lọc thuốc lá có thể mất từ 10 - 15 năm mới có thể phân hủy tùy thuộc vào điều kiện của môi trường. Thêm vào đó, những người hút thuốc lại chưa có ý thức bỏ đầu lọc thuốc lá vào thùng rác, khiến cho việc xử lý đầu lọc thuốc lá đã qua sử dụng càng trở nên khó khăn hơn.
Chỉ tính riêng tại Việt Nam, mỗi năm đã có tới hơn 80 tỉ điếu thuốc lá được tiêu thụ. Điều này làm cho việc xử lý đầu lọc thuốc lá trở thành vấn đề cấn thiết với nhiều quốc gia. Tuy nhiên, nhờ khoa học kĩ thuật cùng với trí thông minh của con người, các nhà khoa học đã tìm ra rất nhiều các cách xử lý, tái chế đầu lọc thuốc lá để không gây hại đến môi trường, đồng thời tận dụng tối đa rác thải để biến chúng trở thành thứ có ích.
Các nhà khoa học tại Đại học RMIT Australia đã đưa ra sáng kiến sử dụng đầu lọc thuốc lá đã qua sử dụng như một vật liệu làm đường. Các nghiên cứu của những nhà khoa học này cho thấy các con đường được trải nhựa đường trộn với các mẩu thuốc lá đã qua xử lý có thể duy trì khả năng chịu tải, đồng thời giảm tính dẫn nhiệt. Phương pháp này không chỉ giải quyết được lượng đầu mẩu thuốc lá gây hại thải ra môi trường hàng ngày, mà còn khắc phục hiệu ứng đảo nhiệt đô thị tại nhiều thành phố lớn.
Một công ty tại Sao Paulo, Brazil đã lập ra nhà máy đầu tiên tái chế đầu lọc thuốc lá thành giấy. Quy trình tái chế khá đơn giản. Đầu tiên, đầu lọc thuốc lá được rửa sạch trong nước để loại bỏ hóa chất độc hại, sau đó được sấy khô và nén. Ước tính, 35 đầu lọc có thể làm ra 1 tờ giấy A4. Như vậy phương pháp này có thể tái chế được số lượng khá lớn đầu lọc thuốc lá đã qua sử dụng.
Đầu lọc điếu thuốc, làm từ một loại nhựa gọi là cellulose acetate, được nấu chảy và biến thành nguyên liệu để làm ra một loạt sản phẩm nhựa công nghiệp, chẳng hạn như tấm nâng để vận chuyển các hàng hóa nặng. Mất khoảng 1.000 - 2.000 đầu mẩu thuốc lá chỉ để làm ra một cái gạt tàn nhựa và hơn 200.000 mẩu để làm một chiếc ghế ngồi chơi ngoài vườn. Theo Szaky thì nguồn cung không bao giờ thiếu vì nếu tính theo số lượng thì 37% rác thải của thế giới là đầu mẩu thuốc lá, với hàng ngàn tỉ mẩu mỗi năm.
Bên cạnh đó, nhiều người trên thế giới cũng có ý thức hơn trong việc thu gom, xử lý đầu lọc thuốc lá. Nhiều chiến dịch đơn lẻ thu gom đầu lọc thuốc lá của các cá nhân diễn ra trên toàn thế giới đã tác động tích cực đến nhận thức của nhiều người dân, từ đó nâng cao ý thức hút thuốc lá của mọi người ở nơi công cộng. Các đầu lọc thuốc lá bắt đầu được nhìn nhận là thực sự có hại cho môi trường, nguồn nước và từ đó người dân có trách nhiệm hơn sau mỗi đầu lọc thuốc lá bị vứt đi khi sử dụng.
Tuy nhiên, điều dễ dàng nhất mọi người có thể làm để hạn chế tác hại của đầu lọc thuốc lá đối với môi trường đó là không hút thuốc lá, vừa có thể bảo vệ sức khỏe của bản thân, vừa bảo vệ môi trường.
Nguồn: Bộ Thông Tin Và Truyền Thông Phòng Chống Tác Hại Của Thuốc Lá