Sơn La: Triển khai Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản

Thứ 5, 27/07/2023, 02:50 GMT+7

UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Kế hoạch số 136/KH-UBND, thực hiện Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 - 2030.

Theo đó, tỉnh đã đề ra 4 nhóm nhiệm vụ chính, gồm: Truyền thông, nâng cao nhận thức, tư duy về bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản thông qua các lớp tuyên truyền, tập huấn; xây dựng, cấp phát tờ rơi, sổ tay hướng dẫn; các cuộc thi tìm hiểu về bảo vệ môi trường thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học; Xây dựng, lắp đặt pano/áp phích về bảo vệ môi trường...

Sơn La: Triển khai Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản

Sơn La triển khai quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành thủy sản

Điều tra, đánh giá, kiểm kê nguồn vốn tự nhiên thủy sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Điều tra, đánh giá nguồn ô nhiễm chất thải từ tàu cá, hoạt động khai thác thủy sản, hoạt động tại cảng cá; vùng nuôi trồng thủy sản, cơ sở chế biến thủy sản quy mô nhỏ, dịch vụ thủy sản…; đề xuất giải pháp quản lý trên địa bàn tỉnh.

Triển khai quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành thủy sản. Tập trung cho đối tượng cá tầm, cá trắm cỏ, cá nheo, rô phi, lăng…được nuôi trong lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La.

Trong đó, sẽ thực hiện quan trắc, cảnh báo, giám sát môi trường phục vụ quản lý và chỉ đạo sản xuất theo hướng bền vững, nhằm thông báo tới các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản kịp thời phòng ngừa khi môi trường nuôi mất an toàn, giảm thiểu thiệt hại cho nuôi trồng thủy sản, đồng thời phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo trong hoạt động sản xuất, nuôi trồng thủy sản.

UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch. Tham mưu UBND tỉnh triển khai kế hoạch hiệu quả, quản lý môi trường, kiểm soát chất thải từ hoạt động thủy sản, chủ động lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch với các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan.

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, tư duy về bảo vệ môi trường; tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản. Phối hợp kiến nghị, đề xuất với các bộ, ngành rà soát, bổ sung các chính sách đặc thù của môi trường thủy sản để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Giao Sở TN&MT chủ trì, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên đất, nước gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trong nuôi trồng thủy sản; kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về lĩnh vực tài nguyên, bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động thủy sản.

UBND các huyện, thành phố ưu tiên bố trí quỹ đất dành cho xử lý môi trường từ hoạt động thủy sản tại các khu nuôi trồng tập trung, cảng cá, khu vực chế biến thủy sản ở địa phương.

Xây dựng kế hoạch quản lý môi trường, kiểm soát chất thải từ hoạt động thủy sản; mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ thủy sản; kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động thủy sản.

Trình HĐND cấp huyện cân đối, bố trí nguồn kinh phí trong khả năng ngân sách và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thủy sản tại địa phương.

Nguồn: www.tainguyenvamoitruong.vn

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc