Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La, nhu cầu về bể chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn dự kiến khoảng 10.000-15.000 bể.
Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La cho biết, Sơn La là tỉnh có diện tích trồng trọt lớn, với khoảng 320 ngàn ha đất nông nghiệp. Theo thống kê, những năm gần đây, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên toàn tỉnh liên tục tăng mạnh.
Lượng thuốc tiêu thụ năm 2017 là gần 300 ngàn lít, tăng gấp 5 lần năm 2010; trong đó, thuốc trừ sâu chiếm 13%, thuốc trừ bệnh chiếm 4%, thuốc trừ cỏ chiếm tới 80%, thuốc khác chiếm 3%.
Thực tế cho thấy, việc sử dụng thuốc BVTV còn nhiều bất cập như, lạm dụng quá mức thuốc, phun thuốc không theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp), tùy tiện sử dụng thuốc tại đầu nguồn nước… gây những tác động xấu lên môi trường sống và con người.
Tương ứng với lượng thuốc BVTV trên, mỗi năm, lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng thải ra môi trường từ 15-20 tấn, tập trung nhiều tại các vùng canh tác chè, mía, lúa, ngô, cây ăn quả; đặc biệt lượng bao gói thuốc BVTV là các vỏ chai nhựa thuốc trừ cỏ chiếm đến 50-60%.
Hình ảnh minh họa
Để giải quyết tình trạng này, tỉnh Sơn La đã có đề án xây dựng bể chứa bao gói thuốc BVTV. Tuy nhiên, đề án này hiện gặp rất nhiều khó khăn. Theo khảo sát của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, nhu cầu về bể chứa bao gói thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh Sơn La dự kiến cần khoảng 10.000-15.000 bể. Tuy nhiên, năm 2016, Chi cục mới xây dựng 14 bể chứa bao gói thuốc BVTV tại 14 bản xã Chiềng Đen, quy mô mỗi bể có sức chứa khoảng 70kg vỏ bao bì. Năm 2017, tiếp tục triển khai xây 103 bể chứa tại 7 huyện, thành phố có xã đạt chuẩn nông thôn mới. Như vậy, mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu về thu gom bao gói thuốc BVTV.
Nhằm tiếp tục giải quyết tồn tại này, tỉnh đã xây dựng Đề án quản lý, thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng giai đoạn 2018-2020. Theo Đề án đến năm 2020, tỉnh Sơn La phấn đấu 100% bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được thu gom và xử lý. Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện Đề án hơn 12 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để vấn đề thu gom xử lý rác thải thuốc BVTV đạt hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực hỗ trợ bằng các giải pháp của Nhà nước, điều quan trọng hơn, người dân cần nhận thức đầy đủ về tác hại, nguy cơ tiềm ẩn từ rác thải thuốc BVTV gây ra, từ đó nâng cao ý thức để tự bảo vệ mình và môi trường xung quanh.
Nguồn: baodantoc.vn