Hội thảo Kiến trúc xanh lần thứ 15 với chủ đề “Công trình xanh Việt Nam - Hành trình 10 năm phát triển” do Hội đồng Công trình xanh Việt Nam và CLB Kiến trúc Xanh TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Tại đây, Sika Việt Nam mang đến 3 giải pháp nhằm giảm lượng phát thải CO2 hiệu quả từ quá trình sản xuất xi măng và bê tông.
Theo Global Cement Review, ngành Xây dựng chiếm khoảng 11% lượng phát thải CO2 do con người tạo ra. Trong đó, lượng phát thải CO2 do sản xuất xi măng trên toàn cầu chiếm tới 7%. Điều này khiến ngành công nghiệp sản xuất xi măng đối diện với nhiều thách thức, nhất là liên quan đến các yêu cầu về phát triển xanh, bền vững, hạn chế tối đa những tác động nguy hại đến đời sống môi trường.
Để góp phần giải quyết bài toán đầy thách thức này, Sika Việt Nam đã đưa ra 3 giải pháp giúp giảm tác động phát thải CO2 từ xi măng, tối ưu hóa quy trình sản xuất xi măng, sử dụng giải pháp - nguyên vật liệu thay thế như đất sét nung đồng thời tái chế bê tông kéo dài tuổi thọ và khởi phát vòng tuần hoàn.
Ảnh minh họa
Hiện nay trên thị trường, xi măng đất sét nung, bao gồm LC³ (LC³: Limestone Calcined Clay Cement), là một trong những công nghệ đang được sử dụng giúp ngành công nghiệp xi măng giảm phát thải và hướng tới một môi trường bền vững. Tuy nhiên, nếu sử dụng phụ gia thông thường trong quá trình sản xuất sẽ gặp phải những hạn chế như: giảm khả năng hoạt động của bê tông sử dụng xi măng đất sét nung; lượng nước sử dụng để sản xuất xi măng LC³ nhiều hơn và cường độ nén của bê tông sử dụng xi măng đất sét nung có thể bị giảm.
Để tối ưu hóa, Sika đã nghiên cứu thành công SikaGrind® CC và Sika® ViscoCrete® CC – hai loại phụ gia chuyên dụng giúp tăng hiệu năng, tiết kiệm năng lượng điện tiêu thụ (giảm thiểu 10% KWh trên mỗi tấn xi măng được sản xuất ra) và tăng độ mịn, cải thiện tính năng của xi măng đất sét nung. Đặc biệt, với giải pháp này, sản lượng xi măng thành phẩm sẽ tăng thêm đến 15%, giảm thiểu lượng clinker và CO2 trong quá trình sản xuất.
Theo đó, với quy trình sử dụng lại bê tông cũ được tách thành các phần nhỏ và sử dụng như là nguyên liệu để sản xuất bê tông mới, chất lượng cao, cho phép giảm lượng xi măng sử dụng để sản xuất bê tông. Giải pháp này giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, sử dụng chất thải bê tông để hấp thụ CO2 nhờ đó giảm lượng phát thải CO2 hiệu quả.
Ông Alan Bromwich, Giám đốc Thị trường mục tiêu - Bê tông và Sửa chữa của Sika cho biết, có thể nói quy trình Recover là một phát kiến đột phá cho phép việc tái chế bê tông và nhà sản xuất bê tông tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn bằng cách tái sử dụng các thành phần bê tông với chất lượng hoàn hảo như ban đầu. Quy trình này hoàn toàn mới và độc đáo với thị trường Việt Nam, Sika mong muốn đem đến nhiều sự lựa chọn hơn về phương thức giảm phát thải CO2 cho thị trường, đồng thời cam kết hướng tới các cải tiến tập trung vào giảm phát thải CO2 và cải thiện các tác động môi trường từ việc xây dựng.
Việc nghiên cứu và đưa ra các giải pháp xây dựng hướng tới sự phát triển bền vững không chỉ góp phần kiến tạo nên những công trình xanh, thân thiện với sức khỏe con người mà còn mở ra cơ hội, xu hướng phát triển mới trong việc sử dụng các loại nguyên vật liệu xây dựng mới, hiệu quả để thay thế các giải pháp vốn có nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên đắt giá trước thực trạng ngày càng cạn kiệt và khan hiếm.
Nguồn: ximang.vn