Quyết tâm đến năm 2025 hoàn thành mục tiêu 1 tỷ cây xanh!

Thứ 6, 24/02/2023, 04:30 GMT+7

Theo Kế hoạch năm 2023, cả nước dự kiến trồng 216 triệu cây xanh, trong đó có 90 triệu cây trồng rừng tập trung và 126 triệu cây xanh trồng phân tán. Ngay trong 2 tháng đầu năm 2023, nhiều hoạt động hưởng ứng Tết trồng cây diễn ra trên khắp cả nước, cho thấy khí thế sôi nổi, quyết tâm hoàn thành mục tiêu 1 tỷ cây xanh đến năm 2025 theo Đề án do Chính phủ đề ra.

Sức lan tỏa của Tết trồng cây:

Tại Lễ phát động Tết trồng cây cấp quốc gia "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Quý Mão năm 2023 ở Khu Di tích K9 - Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội), mở đầu cho Tết trồng cây trong cả nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Hàng triệu héc ta rừng, hàng trăm triệu cây xanh đã được trồng trên khắp mọi miền Tổ quốc, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, cải thiện môi trường sinh thái, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp tích cực vào việc giảm nhẹ thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu".

Thực tế cho thấy, độ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng lên trên 42% vào năm 2022; hấp thụ được trên 70 triệu tấn CO2. “Việc trồng cây không chỉ bảo vệ cảnh quan môi trường và đa dạng sinh học mà còn là một ngành kinh tế quan trọng, mang lại nguồn lợi to lớn cho nước ta ở hiện tại và tương lai” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Quyết tâm đến năm 2025 hoàn thành mục tiêu 1 tỷ cây xanh!

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân trồng cây tại Lễ phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" 2023. 

Ngay sau Lễ phát động, nhiều địa phương, Bộ ngành cũng đồng loạt tổ chức trồng cây. Các hoạt động tuyên truyền cũng được đẩy mạnh, nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, nhân viên, chiến sỹ và nhân dân về ý nghĩa, vai trò, tác dụng to lớn của việc trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Sang tháng 2, nhiều hoạt động trồng cây vẫn tiếp tục diễn ra do các ban ngành, mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp tổ chức. Không thể phủ nhận, phong trào Tết trồng cây đã trở thành một hoạt động văn hóa tạo sức lan tỏa rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, là tiền đề quan trọng để Chính phủ đưa ra Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh” giai đoạn 2021 – 2025 (Đề án 1 tỷ cây xanh).

Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), từ lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 64 năm đến thông điệp “”1 tỷ cây xanh” của Chính phủ hiện nay, phong trào trồng cây đã thu hút được sự tham gia của không chỉ thanh niên mà từ trẻ em đến các cụ bô lão, từ các cơ quan chính phủ đến các địa phương, Mặt trận Tổ quốc các cấp. Đây là nỗ lực rất lớn giúp thúc đẩy thay đổi hành vi, coi đạo đức môi trường là văn hóa ứng xử của con người với thiên nhiên. Từ đây, chúng ta sẽ có những ngôi trường xanh, chùa xanh, doanh nghiệp xanh…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện Đề án 1 tỷ cây xanh, trong hai năm 2021 và 2022, cả nước đã trồng mới được 450 triệu cây xanh, bao gồm: 227 triệu cây rừng trồng tập trung (tương đương 130.000ha rừng trồng mới) và 223 triệu cây xanh trồng phân tán, vượt 7,6% so với kế hoạch. Trong đó, nguồn kinh phí thực hiện từ xã hội hóa chiếm tỷ lệ tới 50%. Đây là kết quả rất tích cực, đáng khích lệ, cần được phát huy và nhân rộng trong những năm tới.

Đóng góp cho lộ trình Net-zero:

Bên cạnh việc hình thành nếp sống thân thiện với thiên nhiên, hoạt động trồng cây gây rừng theo Đề án 1 tỷ cây xanh cũng góp phần triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, COP27, góp phần vào mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong 5 lĩnh vực đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia, lâm nghiệp là ngành duy nhất phát thải âm – do khả năng hấp thụ CO2 khổng lồ, vượt xa lượng phát thải.

Đến năm 2030, lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng đất dự kiến sẽ giảm 70% lượng phát thải và tăng 20% lượng hấp thụ các-bon so với kịch bản phát triển thông thường, tổng lượng phát thải và hấp thụ đạt ít nhất -95 triệu tấn CO2tđ. Đến năm 2050, lượng phát thải sẽ giảm 90%, lượng hấp thụ các-bon tăng 30%, tổng lượng phát thải và hấp thụ đạt ít nhất -185 triệu tấn CO2tđ.

Quyết tâm đến năm 2025 hoàn thành mục tiêu 1 tỷ cây xanh!

Mỗi cây xanh trao đi, một thông điệp bảo vệ môi trường được lan tỏa. 

Quá trình bảo vệ và phát triển rừng cũng sẽ tạo ra tín chỉ các-bon rừng và giúp tăng thêm nguồn tài chính, quay lại đầu tư cho các hoạt động này. Luật Lâm nghiệp đã đưa tín chỉ các-bon rừng trở thành một loại dịch vụ môi trường rừng và hiện nay, Việt Nam đã thực hiện một số hoạt động trao đổi, chuyển đổi kết quả giảm phát thải cho các tổ chức trên thế giới. Các hoạt động đều đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương và thông lệ quốc tế, góp phần phát triển nguồn thu tiềm năng từ dịch vụ môi trường rừng, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến nhấn mạnh, các hoạt động trồng cây có đóng góp rất quan trọng trong việc tăng mảng xanh, tăng lượng hấp thụ các khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong khi đó, cách thức thực hiện lại đơn giản và dễ dàng. Mỗi một cây xanh góp lại đều góp phần thể hiện cho thế giới thấy, Việt Nam là đất nước yêu chuộng hòa bình, yêu thiên nhiên và đang tích cực bảo vệ bảo vệ “Mẹ Trái đất” - nơi duy nhất duy trì sự sống của con người.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường

Ý kiến bạn đọc