Quảng Ngãi: Đổi mới công nghệ xanh hóa ngành Dệt may và Da giày

Thứ 4, 26/07/2023, 09:14 GMT+7

Để thực hiện xanh hóa ngành Dệt may và Da giày, UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Dệt may và Da giày đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến công nghệ, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sản xuất mới.

Trong Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 9/5/2023 về thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Quảng Ngãi xác định: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành Dệt may và Da giày là một trong những ngành chủ lực về sản xuất và xuất khẩu của tỉnh, có tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu bằng hoặc cao hơn cả nước.

Công nghệ xanh hóa ngành Dệt may và Da giày

Hình ảnh minh họa

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững, xanh hóa ngành Dệt may và Da giày, UBND tỉnh cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Dệt may và Da giày đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến công nghệ, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sản xuất mới, công nghệ thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng; nghiên cứu tạo công nghệ mới; thiết kế, chế tạo thiết bị công nghệ mới thay thế thiết bị nhập ngoại... theo chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được quy định tại Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND ngày 15/10/2021 của HĐND tỉnh Quảng Ngãi quy định một số chính sách hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh; Chương trình khuyến công tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025.

Tỉnh khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong sản xuất và phát triển các loại nguyên, phụ liệu trong nước chưa sản xuất được, các sản phẩm Dệt may và Da giày chất lượng cao, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn, thân thiện môi trường; tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong ngành Dệt may và Da giày đầu tư nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất.

Mặt khác, tỉnh tiếp tục triển khai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (in 3D, vật liệu mới, tự động hóa, robot, số hóa...), tăng cường chuyển đổi số trong sản xuất và xúc tiến thương mại lĩnh vực Dệt may và Da giày; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo về chuyển đổi số trong sản xuất và xúc tiến thương mại lĩnh vực Dệt may và Da giày đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp Dệt may và Da giày trong tỉnh tiếp cận, thực hiện quy hình xanh hóa trong sản xuất và đạt các chứng chỉ về bảo vệ môi trường, về tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của các thị trường mục tiêu.

UBND Tỉnh sẽ chủ trì, phối hợp tổ chức các khóa đào tạo, phổ biến thông tin và nâng cao năng lực về quản lý và kiểm soát các vấn đề về môi trường tại doanh nghiệp (kiểm soát hóa chất, tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước...); nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, chuỗi giá trị minh bạch... phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường sản xuất sạch hơn với khả năng tuần hoàn, tận thu, tái sử dụng chất thải, hay cải tiến sản phẩm để phù hợp với quy định của Pháp luật bảo vệ môi trường.

Nguồn: quanly.moitruongvadothi.vn

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc