Quản lý tài nguyên nước - Kỳ vọng từ những dấu ấn

Thứ 4, 12/01/2022, 06:04 GMT+7

Năm 2021, trên cơ sở bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ TN&MT, Cục Quản lý tài nguyên nước đã chủ động triển khai nhiệm vụ, thực hiện các giải pháp trọng tâm và đạt được những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của toàn ngành.

Đoàn kết, quyết tâm cao

Mặc dù dịch Covid-19 bùng phát với nhiều diễn biến phức tạp với nguy cơ lây nhiễm tăng cao tại nhiều địa phương trên cả nước, song các hoạt động của Cục Quản lý Tài nguyên nước vẫn diễn ra hiệu quả. Cục đã chỉ đạo điều hành, giải quyết, xử lý công việc trực tuyến trên hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ điện tử của Cục. Việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính của lĩnh vực tài nguyên nước được thực hiện trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, các cuộc họp, thảo luận, trao đổi, báo cáo, làm việc cũng được Cục tổ chức theo hình thức trực tuyến nhằm đảm bảo các công việc thuộc lĩnh vực, nhiệm vụ được giao được triển khai hoạt động thông suốt, hiệu quả, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Ngay từ đầu năm 2021, Cục Quản lý tài nguyên nước đã ban hành Chương trình công tác năm 2021 thực hiện Chương trình hành động của ngành TN&MT thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Quyết định số 41/QĐ-TNN ngày 27/1/2021), trong đó, đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu và đã phân công trách nhiệm thực hiện cho từng đơn vị cụ thể.

Dấu ấn trong quản lý điều hành

Một trong những kết quả nổi bật của Cục Quản lý Tài nguyên nước là công tác xây dựng Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia. Việc xây dựng Đề án rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từng bước nâng cao sự bảo đảm an ninh nguồn nước cho các trụ cột an ninh nguồn nước. Đến nay, Cục đã hoàn thiện hồ sơ Đề án đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia trên cơ sở ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, trình Bộ để Bộ trình Chính phủ.

Về công tác xây dựng Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục đã hoàn thiện Dự thảo lần 2 theo ý kiến góp ý của Bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, Cục đã trình Bộ trình Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định.

Cùng với đó, các Quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông: Bằng Giang - Kỳ Cùng, Sê San, Srepok giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Năm 2022, Cục Quản lý tài nguyên nước tập trung hoàn thành Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, ngày 23/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1969/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Sê San đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng cấp Bộ thẩm định. Hiện, Cục đã trình Bộ, để Bộ trình Chính phủ.

Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Srepok đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng cấp Bộ thẩm định. Cục đã hoàn thiện Dự thảo theo ý kiến thành viên Hội đồng cấp Bộ. Đã hoàn thiện theo ý kiến các Bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc. Hiện, Cục đã trình Bộ để Bộ trình Chính phủ.

Năm 2021, với vai trò là Trưởng nhóm tài nguyên nước của ASEAN tại Việt Nam, Cục đã tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác ASEAN về tài nguyên nước. Cụ thể, Cục đã tham gia góp ý cho các vấn đề quan trọng của Hội nghị ASEAN 32 và các hội nghị, cuộc họp liên quan, thể hiện trách nhiệm với khu vực, tăng cường mối quan hệ đa phương cũng như với từng quốc gia thành viên ASEAN và các nước đối tác, các tổ chức quốc tế.

Tập trung quyết sách bảo vệ nguồn nước

Bước sang năm 2022, Cục Quản lý tài nguyên nước tập trung sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012; rà soát, sửa đổi Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; công bố và triển khai thực hiện 3 Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng; sông Sê San và sông Srepok; hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và 2 Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình và Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với đó, Cục triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai thực hiện Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025; hoàn thành và Báo cáo Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến về Đề án Tổng thể về ảnh hưởng của thủy điện dòng chính sông Mê Công. Đồng thời, Cục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc hỗ trợ sửa đổi Luật Tài nguyên nước, các chính sách và chương trình, dự án về bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

Nguồn: Cổng thông tin Bộ TN&MT

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc