Quản lý chất thải rắn sinh hoạt và vai trò của doanh nghiệp

Thứ 5, 13/06/2024, 08:08 GMT+7

Ngày 04/6/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Diễn đàn Môi trường lần thứ 3 năm 2024, với chủ đề: “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt và vai trò của doanh nghiệp”.

Tham dự Diễn đàn có đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện một số đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), các Sở TN&MT, các chuyên gia, đại diện một số doanh nghiệp trong và ngoài nước liên quan đến lĩnh vực môi trường cùng phóng viên các cơ quan báo chí, truyền thông. Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hồ Kiên Trung tham dự và có bài phát biểu tại Diễn đàn.

Quản lý chất thải rắn sinh hoạt và vai trò của doanh nghiệpTổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường TS. Đào Xuân Hưng Phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Đào Xuân Hưng, Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Trưởng ban tổ chức diễn đàn cho biết: “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó vai trò của các địa phương, doanh nghiệp là yếu tố quan trọng và trách nhiệm của người dân là yếu tố đầu tiên trong việc bảo vệ môi trường hiệu quả".

Khi chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) được phân loại và tận dụng triệt để giá trị cũng là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, nếu khai thác tốt sẽ tạo ra nguồn thu rất lớn để tái đầu tư tại địa phương, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, vì CTRSH có thể trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào của lĩnh vực sản xuất khác

Tạp chí TN&MT mong muốn rằng thông qua diễn đàn này, truyền thông chính sách tại doanh nghiệp, người dân về việc phân loại CTRSH tại nguồn và sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường, giảm thiểu đồ nhựa sử dụng một lần, góp phần giảm bớt phát thải, gây ô nhiễm môi trường, xây dựng một cộng đồng xã hội phát triển, hiện đại, văn minh.

Thông điệp của Diễn đàn Môi trường lần này là kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội hưởng ứng thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và có nhiều sáng kiến áp dụng trong phân loại rác, tái chế, xử lý CTRSH để bảo vệ môi trường.

Quản lý chất thải rắn sinh hoạt và vai trò của doanh nghiệpPhó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hồ Kiên Trung phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu đề dẫn tại Diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hồ Kiên Trung cho biết, Diễn đàn được tổ chức hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh chỉ còn hơn 5 tháng nữa, các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện phân loại CTRSH từ các hộ gia đình, cá nhân theo tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Diễn đàn Môi trường lần thứ 3 năm 2024, với chủ đề: “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt và vai trò của doanh nghiệp” với sự tham gia của rất nhiều Sở TN&MT các tỉnh, thành phố; các đơn vị thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải; các tổ chức về môi trường trong nước và quốc tế, đông đảo các chuyên gia và các nhà khoa học rất tâm huyết trong lĩnh vực môi trường và quản lý chất thải. Đây là cơ hội tốt để cùng trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm, khắc phục được các khó khăn, vướng mắc, đưa ra các giải pháp, cách thức để các địa phương có thể triển khai hiệu quả, đồng bộ công tác quản lý, phân loại CTRSH theo đúng yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường và quản lý chất thải. Theo đó coi chất thải là tài nguyên và nguyên liệu sản xuất nếu đã được phân loại; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng chất thải, giảm thiểu tối đa chất thải phải xử lý; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tái chế, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; thực hiện triệt để nguyên tắc: Người gây ô nhiễm phải trả tiền, người thải nhiều chất thải thì phải trả tiền nhiều.

Quản lý chất thải rắn sinh hoạt và vai trò của doanh nghiệpQuang cảnh diễn đàn

Trong thời gian vừa qua, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã đi làm việc với rất nhiều địa phương để thúc đẩy công tác phân loại CTRSH theo đúng tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Hiện nay, một số mô hình thí điểm phân loại CTRSH tại các địa phương đã đem lại kết quả khá tích cực, bắt đầu có được giá trị kinh tế từ CTRSH, ý thức và trách nhiệm của cộng đồng và người dân được tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hồ Kiên Trung, có thể nhận thấy rằng, việc thực hiện công tác phân loại CTRSH ở các địa phương mặc dù đạt được một số kết quả nhất định nhưng vẫn còn hiện hữu nhiều "thách thức", khó có thể thực hiện đồng bộ trên phạm vi cả nước sau ngày 31/12/2024 vì bốn nguyên nhân sau: 

Thứ nhất, hạ tầng thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý CTRSH sau phân loại còn thiếu và không đồng bộ. Nhiều địa phương chưa tìm kiếm đầu ra cho từng loại chất thải, chưa tìm kiếm công nghệ tái chế và xử lý mỗi loại chất thải sau khi phân loại. Đây là công việc quan trọng nhất trước khi thực hiện công tác phân loại chất thải; 

Thứ hai, thiếu cơ chế thu hút đầu tư, cơ chế giá để thúc đẩy cơ sở, doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia vào công tác thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh hầu hết các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh thuộc quản lý nhà nước, chưa đảm bảo năng lực và trang thiết bị cho quản lý CTRSH sau phân loại; 

Thứ ba, nhận thức và sự vào cuộc của chính quyền địa phương còn chậm, chưa quyết liệt. Cụ thể là nhiều địa phương vẫn tư duy chất thải phải mang đi xử lý, chưa tìm kiếm hoặc xây dựng các cơ sở tái chế trong và ngoài tỉnh để biến chất thải sau phân loại thành tài nguyên và nguyên liệu sản xuất, phát triển kinh tế của đất nước; chưa đưa các yêu cầu đối với hạ tầng kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, phân loại CTRSH, các điểm tập kết, trạm trung chuyển, trạm phân loại CTRSH, các khu tái chế, xử lý CTRSH vào trong quy hoạch của tỉnh để có lộ trình thực hiện; chưa xây dựng các mô hình thí điểm phân loại CTRSH để từ đó làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch phân loại CTRSH, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH phù hợp với địa phương; 

Thứ tư, nhận thức của cộng đồng, người dân về phân loại CTRSH còn hạn chế và cần thời gian để tổ chức thực hiện.

Phó Cục trưởng Hồ Kiên Trung bày tỏ, trong thời gian tới, để các địa phương thực thi công tác phân loại CTRSH hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế từ chất thải sau phân loại, cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và có phối hợp chặt chẽ của 3 bên: đó là Chính quyền địa phương, Doanh nghiệp, và Người dân.

Cũng tại Diễn đàn này, các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học từ Việt Nam, Nhật Bản, WB tại Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp, khuyến nghị đối với quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ tình hình thực tế tại Việt Nam, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn như: Việc sử dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thúc đẩy xử lý chất thải rắn sinh hoạt hướng đến nền kinh tế tuần hoàn; vấn đề xử lý rác thải tại huyện Cồn Cỏ; vai trò của cộng đồng trong phân loại rác thải tại nguồn…

Các chuyên gia đến từ các Viện nghiên cứu, các Doanh nghiệp môi trường, xử lý chất thải, phát triển công nghệ đưa ra những mô hình tiên tiến, giới thiệu các công nghệ hiện đại, các giải pháp hiệu quả trong xử lý, phân loại và tái chế chất thải. Cụ thể là các giải pháp công nghệ từ sử dụng chất thải rắn làm nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng; sử dụng công nghệ cao để đốt rác phát điện; việc hỗ trợ tài chính phát triển các cơ sở xử lý chất thải rắn tại Nhật Bản;… 

Nguồn: Theo Cục Kiểm Soát Ô Nhiễm Môi Trường, "Diễn đàn Môi trường lần thứ 3 năm 2024: “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt và vai trò của doanh nghiệp”", đăng ngày: 06/04/2024, xem tại link: https://pcd.monre.gov.vn/tin-tuc-su-kien/9098/dien-dan-moi-truong-lan-thu-3-nam-2024-%E2%80%9Cquan-ly-chat-thai-ran-sinh-hoat-va-vai-tro-cua-doanh-nghiep%E2%80%9D, truy cập ngày 13/06/2024

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc