Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt Đề án "Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ nâng tỷ lệ sản phẩm thuốc BVTV sinh học trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam lên 30%; tăng lượng sử dụng thuốc BVTV sinh học lên 30% so với tổng lượng thuốc BVTV sử dụng; nâng tỷ lệ cơ sở sản xuất thuốc BVTV sinh học lên 90% so với tổng số cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc BVTV.
Cùng với đó, ít nhất 80% các địa phương tập huấn về sử dụng thuốc BVTV sinh học an toàn và hiệu quả cho người sử dụng; xây dựng được mô hình sử dụng thuốc hiệu quả trên 9 nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, gồm: Lúa, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả, rau, sắn.
Hình ảnh minh họa
Đến năm 2050, đề án phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV sinh học dẫn đầu trong trong khu vực. Các cơ sở sản xuất thuốc BVTV sinh học quy mô công nghiệp có công nghệ, trang thiết bị hiện đại, chủ động sản xuất được các thuốc BVTV sinh học tiên tiến, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Để thực hiện, đề án đặt ra 5 nhiệm vụ chính, trong đó có việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, sử dụng thuốc BVTV sinh học. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký, khảo nghiệm và đưa thuốc BVTV sinh học vào Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam; hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc nhập khẩu nghiên cứu, thử nghiệm các thuốc BVTV sinh học vi sinh, thảo mộc phục vụ quá trình đăng ký, sản xuất thuốc BVTV sinh học; tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để có thể tạo ra nhiều sản phẩm thuốc BVTV sinh học có giá trị sử dụng cao.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng mới, mở rộng quy mô công suất của các nhà máy sản xuất thuốc BVTV sinh học; nghiên cứu, phát triển công nghệ sản xuất, sử dụng chế phẩm sinh học, vi sinh vật, thảo mộc tận dụng tối đa nguyên liệu sẵn có để sản xuất nhằm chủ động sản xuất thuốc BVTV sinh học.
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn