Phát triển kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu chất thải nhựa!

Thứ 6, 09/06/2023, 03:51 GMT+7

Nhằm giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa gây ra, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách giảm thiểu chất thải nhựa, cần quản lý, xử lý chất thải nhựa trên cơ sở phát triển kinh tế tuần hoàn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường và Diễn đàn Kinh tế Thế giới vừa phối hợp tổ chức Hội nghị thường niên của Nhóm công tác triển khai Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP).

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân - Trưởng Nhóm công tác triển khai Chương trình NPAP cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các cơ chế, chính sách để giải quyết ô nhiễm nhựa; đồng thời, phát động phong trào phòng, chống rác thải nhựa ở các cơ quan, đoàn thể, cộng đồng dân cư...

Để đạt mục tiêu giải quyết vấn đề chất thải nhựa, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, cần huy động sự tham gia hiệu quả hơn nữa của toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế nhằm quản lý, xử lý chất thải nhựa, biến thách thức nhựa thành cơ hội trên cơ sở phát triển kinh tế tuần hoàn, qua đó đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu.

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, địa phương, khối tư nhân và các tổ chức quốc tế trong nỗ lực thực hiện Chương trình NPAP một cách toàn diện, tổng thể, nhằm giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa gây ra. Đồng thời, phát huy vai trò quốc gia dẫn dắt trong khu vực tại các diễn đàn đa phương liên quan đến chất thải nhựa.

giảm thiểu chất thải nhựa

Cần huy động sự tham gia hiệu quả hơn nữa của toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế nhằm quản lý, xử lý chất thải nhựa

Dưới góc nhìn của các tổ chức quốc tế, bà Kristin Hughes - Giám đốc Chương trình đối tác hành động Toàn cầu về Nhựa (GPAP) cho rằng, tiềm năng to lớn từ nền tảng đa chủ thể của Chương trình NPAP dưới sự lãnh đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và đơn vị nghiên cứu cùng hợp tác chặt chẽ để thực hiện mục tiêu của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa.

Nhìn nhận ở góc nhìn khác, bà Ramla Khalidi - Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá cao Chính phủ Việt Nam khi đặt ra mục tiêu đầy tham vọng khi nỗ lực thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa thông qua phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

“Việc thực hiện mục tiêu này sẽ chỉ khả thi với những nỗ lực và đổi mới sáng tạo hiệu quả, có sự phối hợp, hợp tác hiệu quả của các bên trong giảm thiểu rác thải nhựa”, bà Ramla Khalidi nhận định.

Thông tin về kết quả của Chương trình NPAP, ông Lê Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Chương trình NPAP là sáng kiến chính thức nhằm hỗ trợ thực hiện Đề án quốc gia về tăng cường quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam theo Quyết định số 1316/QĐ-TTg. Chương trình hỗ trợ xây dựng một số nội dung của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Thông tư hướng dẫn thực hiện và hỗ trợ việc triển khai thực hiện Luật và Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa.

Chương trình NPAP hỗ trợ Việt Nam tham gia Thỏa thuận Toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa và cung cấp các công cụ quản lý rác thải nhựa; xây dựng báo cáo nghiên cứu đánh giá tình hình phát sinh, quản lý rác thải nhựa và đề xuất giải pháp, lộ trình giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam.

Đồng thời, Chương trình NPAP cũng hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ô nhiễm rác thải nhựa đại dương; xúc tiến một số dự án mới thông qua nền tảng NPAP với sự tham gia tích cực và gắn kết các thành viên.

Ngoài ra, Chương trình cũng thu hút sự tham gia tích cực từ các khối công và tư trong việc giảm thiểu nhựa dùng 1 lần và tăng cường bình đẳng giới và hoà nhập xã hội trong ngành nhựa.

Theo kế hoạch, thời gian tới, Chương trình NPAP sẽ tiếp tục rà soát chính sách và tổ chức đối thoại chính sách để thúc đẩy quản lý hiệu quả rác thải nhựa và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; đánh giá tác động và các cơ hội của Thoả thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đối với doanh nghiệp; thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.

Cùng với đó, thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế, các sáng kiến đổi mới sáng tạo về tái chế nhựa tại các khu vực ven biển; thành lập các Nhóm kỹ thuật tập trung thúc đẩy chính sách, đổi mới sáng tạo và khơi nguồn tài chính, giới và phát triển toàn diện...

Nguồn: Văn phòng Sản xuất và tiêu dùng bền vững - Bộ Công Thương

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc