Phần mềm sẽ giúp các hộ dân dễ dàng phân loại rác hữu cơ, đồng thời kết nối với những bên có nhu cầu tái chế loại rác này thành phân bón hoặc các sản phẩm có ích khác.
Nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) và dự án kết nối xử lý rác hữu cơ của mình
Đây là dự án của nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), vừa giành giải cao nhất trong cuộc thi "Đổi mới sáng tạo kỹ thuật eProjects" do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và ĐH Bang Arizona (Mỹ) tổ chức.
Nguyễn Vũ Bích Ngọc - sinh viên khoa cơ khí, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), đại diện nhóm dự án - cho biết hiện tại nhiều người dân có nhu cầu phân loại và xử lý rác hữu cơ, nhiều doanh nghiệp cũng muốn thu gom và tận dụng nguồn rác hữu cơ nhưng hai bên hiện khó gặp được nhau.
Điều này khiến nhiều hộ dân phân loại rác hữu cơ xong cũng không biết phải làm gì. Một số đã từ bỏ việc thu gom rác.
Bích Ngọc chia sẻ hiện ứng dụng của nhóm đang chạy những phiên bản đầu tiên trên website. Những người dân có nhu cầu có thể truy cập để được hướng dẫn cách phân loại rác.
Đến khi muốn "dọn" rác hữu cơ này, họ chỉ cần điền thông tin địa chỉ, số điện thoại, khối lượng rác đang có. Hệ thống sẽ ghi nhận yêu cầu và kết nối với một hay nhiều đơn vị cũng đang có nhu cầu tìm rác hữu cơ đến tận nhà thu gom.
Giao diện trên ứng dụng thu gom của nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: Trọng Nhân
"Hệ thống đã được thử nghiệm ở huyện Củ Chi (TP.HCM). Một trang trại nuôi trùn quế đã sử dụng ứng dụng của tụi mình để thu gom rác hữu cơ từ những người dân trong khu vực để về ủ phân trùn quế. Phần mềm cũng sẽ lên được lộ trình thu gom cho trang trại này sao cho tiện đường nhất", Bích Ngọc nói.
Ngọc cho biết bước tiếp theo của dự án sẽ là cho ra nâng cấp phiên bản hệ thống. Đồng thời, dự án sẽ dần mở rộng ra thêm các khu vực ở Củ Chi và tiếp tục đến những quận, huyện khác.
Dự án này của nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) là một trong nhiều sản phẩm của sinh viên tham gia cuộc thi eProjects và được trưng bày tại American Center (Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM). Trong cuộc thi, sinh viên sẽ được kết nối với đại diện một số công ty để có thể tiếp tục triển khai các mô hình tiềm năng này ra thực tế.
Một số dự án khác cũng được ban giám khảo đánh giá cao như mô hình tái chế nhựa PET của sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), dự án tối ưu hóa nhiên liệu DO của sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, dự án giám sát chất lượng nước với chi phí thấp của sinh viên Trường ĐH Cần Thơ…
Mô hình giám sát chất lượng nguồn nước của sinh viên Trường ĐH Cần Thơ - Ảnh: Trần Hữu Sách
Huỳnh Vĩ Khang - sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật máy tính, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho biết nhóm đã phát triển hệ thống quan trắc môi trường nước từ xa cho các ao nuôi trồng thủy sản của nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.
Khang chia sẻ sản phẩm của nhóm gồm 2 phần chính. Thứ nhất là trạm đo tại các ao chứa các cảm biến và bộ phận điều khiển, giúp thu thập những thông số môi trường như độ pH, nhiệt độ nước, chỉ số ion hòa tan EC, chất rắn hòa tan TD…
Số liệu sẽ được chuyển về phần thứ hai là bộ xử lý trung tâm thông qua mạng dữ liệu. Tại đây, số liệu sẽ được phân tích và hiển thị trên website, ứng dụng điện thoại cho người dân theo dõi từ xa.
Hệ thống cũng có thể phân tích những biến chuyển theo thời gian của các thông số trên, giúp người nuôi trồng thủy sản dễ so sánh, đối chiếu.
"Hệ thống của chúng mình đã được thử nghiệm trên một số ao nuôi tôm và cho kết quả tích cực, có thể hiện số liệu trong thời gian thực", Khang nói.
"Trước nay nhiều trường hợp cá, tôm nuôi của người dân chết bất thường do biến động các chỉ số trong nước. Với hệ thống của mình, người dân có thêm nhiều chỉ số tham khảo để có thể dự đoán trước những rủi ro có thể xảy ra".
Bộ sản phẩm quan trắc các ao nuôi thủy sản từ xa của sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - Ảnh: Trọng Nhân
Nguồn: https://tuoitre.vn/