Nông nghiệp tuần hoàn nhìn từ khâu tái chế phụ, phế phẩm

Thứ 6, 10/03/2023, 01:09 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, nhất là giảm thiểu và đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Mỗi năm, Lâm Đồng có 1,6 triệu tấn phụ phẩm trồng trọt, 1 triệu tấn chất thải chăn nuôi. Ngành nông nghiệp địa phương đang thu hút đầu tư, tái chế phục vụ sản xuất.

Tại Lâm Đồng, nhiều mô hình, giải pháp hướng tới sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí tuần hoàn bền vững như: quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây trồng; sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn (GAP), ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; công trình khí sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi...; đặc biệt là triển khai Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đã góp phần thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, mang lại những chuyển biến tích cực.

Nông nghiệp tuần hoàn nhìn từ khâu tái chế phụ, phế phẩm

Hình ảnh minh họa tái chế phụ phẩm chăn nuôi làm phân hữu cơ

Tiềm năng còn rất lớn

Lâm Đồng có điều kiện khí hậu đặc thù, 4 vùng sinh thái riêng biệt rất thuận lợi để phát triển đa dạng hóa các loại nông sản đặc trưng như rau, hoa ôn đới, cây ăn quả và các đối tượng cây công nghiệp chè, cà phê… với hàng ngàn các loại sản phẩm khác nhau. Nhằm “đánh thức” tiềm năng đó, những năm gần đây, việc phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn đã được địa phương chú trọng, triển khai. 

Theo thống kê từ cơ quan chức năng, khối lượng chất thải từ chăn nuôi của tỉnh ước khoảng trên 1 triệu tấn mỗi năm. Trong đó chất thải từ chăn nuôi trâu khoảng 72 nghìn tấn, chăn nuôi bò 400 nghìn tấn, chăn nuôi lợn khoảng 321 nghìn tấn, chăn nuôi tằm khoảng 225 nghìn tấn...

Thời gian qua, có khoảng trên 70% khối lượng chất thải rắn như phân, chất độn chuồng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm được thu gom, ủ vi sinh nhằm làm phân bón cho cây trồng. Đồng thời, có khoảng khoảng 80% lượng nước thải từ chăn nuôi gia súc được thu gom vào hệ thống hầm biogas để xử lý tạo khí đốt, một phần được thải vào các bể sinh học để nuôi cá và tưới cho cây trồng, đặc biệt là đồng cỏ để phục vụ phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Hiện, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân trên địa bàn tỉnh đã triển khai một số mô hình theo hướng tuần hoàn. Tiêu biểu như, Công ty TNHH Dalat Hasfarm đã triển khai Mô hình Thu gom, xử lý phế phụ phẩm từ trồng hoa, rau của trang trại tại xã Đạ Ròn (huyện Đơn Dương) với quy mô trên 200 ha nhà kính. Công ty đã tái chế khoảng 35.000 - 36.000 m3 phụ phẩm hàng năm, tạo ra sản lượng phân Compost từ 24.000 - 25.000 m3/năm, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm công lao động, hiện đại hóa sản xuất thân thiện với môi trường. Hay như Hợp tác xã phụ nữ Trùn quế Đơn Dương được thành lập năm 2019, có quy mô 1.000 m2: Sử dụng phân bò, các phế phẩm nông nghiệp (rau, củ, quả, thân cành,…) làm thức ăn cho trùn; công suất phân trùn quế đạt 140 tấn/năm cung cấp phân bón trung bình 14 ha cây trồng. Doanh thu 1 tỷ đồng/năm/1.000 m2. Đặc biệt, Lâm Đồng là địa phương sản xuất cà phê lớn, thông qua các mô hình do ngành Nông nghiệp triển khai, hiện nay, cơ bản toàn bộ vỏ cà phê thải ra trong quá trình sơ chế, chế biến đều đã được sử dụng làm phân bón (khoảng 145.000 tấn phân hữu cơ) tái phục vụ cho sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, việc sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp thời gian qua đã giúp nông dân giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi, trồng trọt, góp phần hạn chế sử dụng các loại vật tư nông nghiệp và tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng, sạch. Đặc biệt, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Nắm bắt được các ưu điểm của nông nghiệp tuần hoàn, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân trên địa bàn tỉnh đã triển khai các mô hình theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, mang lại hiệu quả cao.

Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, ngành Nông nghiệp tỉnh đánh giá bên cạnh những kết quả đạt được thì việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với hiện trạng nguồn nguyên liệu và tiềm năng phát triển, vẫn còn nhiều phụ phẩm nông nghiệp chưa được tái sử dụng tại địa phương, tình trạng lãng phí các phế phụ phẩm cây trồng, vật nuôi vẫn còn khá phổ biến.

Hướng tới nền kinh tế xanh

Ông Nguyễn Văn Châu cho rằng, để phát huy những tiềm năng, lợi thế và nền tảng cơ bản về sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp bền vững trong đó chủ trương phát triển nông nghiệp tuần hoàn được đặc biệt quan tâm. 

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tuần hoàn một cách toàn diện, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 với mục tiêu chung: Phát triển kinh tế tuần hoàn đảm bảo tính đồng bộ gắn kết giữa các trang trại, các doanh nghiệp, góp phần ổn định bền vững trong chuỗi sản xuất và môi trường hướng tới nền kinh tế xanh để cải thiện năng suất lao động, góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp hướng đến phát triển toàn diện, bền vững và hiện đại. 

Cụ thể, trong trồng trọt đặt mục tiêu đạt 30% phụ phẩm trên cây rau được xử lý thành phân hữu cơ vi sinh; 100% phụ phẩm từ cây lương thực được xử lý làm phân bón hữu cơ và làm thức ăn chăn nuôi; 30% lượng phụ phẩm từ cây đậu các loại được xử lý làm phân bón hữu cơ vi sinh; 100% phụ phẩm từ các nhà máy chế biến nông sản được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi; 100% phụ phẩm từ các vườn ươm cây giống rau được ủ tái sử dụng làm giá thể ươm cây giống các loại; 100% phụ phẩm vỏ quả cà phê được xử lý làm phân bón hữu cơ vi sinh cao cấp.

Trong chăn nuôi khoảng 90% khối lượng chất thải được tái tạo làm phân bón sử dụng hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp hoặc áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp (làm khí sinh học, ủ phân). Số lượng cơ sở chăn nuôi trên địa bàn xử lý chất thải bằng biogas hoặc các hình thức tiên tiến khác đạt tỷ lệ khoảng 85%.

Để đạt được mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng đưa ra giải pháp về nâng cao năng lực tái chế, tái sử dụng phụ và phế phẩm nông nghiệp thông qua việc thực hiện các chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, bổ sung danh mục các dự án sản xuất phân bón từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp. Đồng thời, địa phương tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong việc đầu tư nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong xử lý phế phẩm nông nghiệp. Đào tạo nghề nâng cao cho các hộ nông dân để có thể tiếp cận và vận hành các thiết bị nông nghiệp mới trong sản xuất,...

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Ý kiến bạn đọc