Nông dân tỉnh Hưng Yên tích cực tham gia bảo vệ môi trường

Thứ 3, 19/03/2024, 07:51 GMT+7

Những năm qua, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh Hưng Yên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường; đồng thời triển khai nhiều mô hình hiệu quả thiết thực, làm thay đổi hành vi, sống thân thiện với môi trường, hạn chế tình trạng vứt rác thải, vỏ thuốc bảo vệ thực vật, góp phần làm môi trường nông nghiệp, nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Mô hình “Bể thu gom rác thải nguy hại trên đồng ruộng” bảo vệ môi trường được Hội Nông dân huyện Khoái Châu triển khai tại 25 xã, thị trấn. Từ khi các mô hình được triển khai đã được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đánh giá hiệu quả và được nông dân nhiệt tình hưởng ứng. Trước khi xây dựng các bể chứa, Hội Nông dân huyện Khoái Châu chỉ đạo hội nông dân xã lựa chọn vị trí phù hợp, thuận tiện, bảo đảm cách xa nguồn nước sinh hoạt, xa khu dân cư để không ảnh hưởng tới môi trường chung quanh; đồng thời, số lượng bể được phân bố hợp lý giúp nông dân thuận lợi khi tiến hành pha chế thuốc...

Hưng Yên tích cực tham gia bảo vệ môi trường

Hình ảnh minh hoạ

Từ hiệu quả đạt được của các mô hình “bể thu gom rác thải nguy hại trên đồng ruộng”, các cấp hội trong huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng hơn 300 “bể thu gom rác thải nguy hại trên đồng ruộng” trên các cánh đồng. Các “bể thu gom rác thải nguy hại trên đồng ruộng” đã hạn chế được nguy cơ tiềm ẩn về tình trạng ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, ý thức mỗi người dân cũng có nhiều chuyển biến tích cực, đây chính là cơ sở quan trọng giúp các địa phương và bà con nông dân hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, bền vững.

Ngoài ra, Hội Nông dân huyện triển khai áp dụng các biện pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường ở 2 xã Thuần Hưng và Đại Hưng, không chỉ giúp nhiều hộ dân tại các địa phương giảm thiểu chi phí, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm mà góp phần bảo vệ môi trường.

Hội viên Hội Nông dân xã Thuần Hưng Đào Đức Long cho biết: "Khi được Hội Nông dân xã Thuần Hưng phổ biến, tuyên truyền về cách xử lý rác thải trong sản xuất nông nghiệp nên tôi thấy được tác hại của việc vứt rác, chai lọ, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi làm ảnh hưởng đến sinh vật, môi trường, đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sống chung quanh. Từ đó tôi thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng vào bể chứa ở đầu bờ, để địa phương tổ chức thu gom mang đi tiêu hủy". Cấy 4 sào lúa, gia đình anh Đào Đức Long chuyển sang canh tác hữu cơ, an toàn, sử dụng phân bón vi sinh đúng cách để vẫn bảo đảm năng suất, chất lượng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.

Với phương châm “mỗi gia đình là một pháo đài tự quản về vệ sinh môi trường”, chi hội Nông dân thôn Hồng Thái, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong thôn tổ chức nhiều buổi tập huấn cung cấp các kiến thức kỹ năng về thu gom, phân loại, vận chuyển rác thải tại hộ gia đình cho hội viên; phối hợp tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tự quyên góp kinh phí làm rãnh thoát nước và làm 13 tuyến đường bê tông ngõ xóm với tổng chiều dài gần 1,7km, trị giá 940 triệu đồng.

Cùng với đó, chi hội thành lập Tổ tự quản về vệ sinh môi trường gồm 20 thành viên, hằng tuần, hằng tháng thực hiện tổng vệ sinh các trục đường trong thôn xóm, khơi thông dòng chảy cống rãnh thoát nước thải; tuyên truyền, vận động hội viên tham gia trồng và chăm sóc hàng rào cây xanh trên các trục đường trong thôn, xây dựng môi trường thân thiện xanh-sạch-đẹp, góp phần thực hiện tốt chỉ tiêu về môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Đối với các hộ chăn nuôi, chi hội Nông dân thôn Hồng Thái đã tuyên truyền, vận động và hỗ trợ tư vấn các hộ nông dân áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gây ra, như: xây bể biogas, sử dụng các chế phẩm sinh học EM để xử lý chất thải trong chăn nuôi, nhằm hạn chế các vi sinh vật gây bệnh cho vật nuôi. Chị Trần Thị Quý, Chi hội trưởng chi hội Nông dân thôn Hồng Thái, xã Lạc Hồng cho biết: Môi trường là một tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, liên quan nhiều đến nhận thức, hành vi, thói quen của nhiều người dân trong cộng đồng sinh sống ở khu dân cư.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, chi hội Nông dân thôn Hồng Thái sẽ tiếp tục phối hợp với các đoàn thể trong thôn tập trung tuyên truyền vào việc nhân rộng mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn xanh-sạch-đẹp có hiệu quả, trong đó chú trọng vào tuyên truyền nâng cao kiến thức kỹ năng thay đổi hành vi và những việc làm cụ thể, như: tiếp tục hướng dẫn và vận động hội viên nông dân thu gom, phân loại xử lý rác thải tại hộ gia đình; huy động sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động giám sát quản lý chất thải nông thôn; tích cực tham gia các hoạt động truyền thông về chống ô nhiễm môi trường nhằm thu hút đông đảo hội viên nông dân cùng nhau thực hiện.

Xác định bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp hội, hằng năm, Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo các cấp hội, nhất là cơ sở triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực; thường xuyên tuyên truyền, phối hợp các ngành chức năng tổ chức tập huấn kiến thức bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên đã tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường với nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực như: tuyên truyền các tin bài, ảnh, phóng sự trên báo, đài, bản tin công tác hội, qua hệ thống đài truyền thanh xã, phường, thị trấn; tuyên truyền miệng thông qua các cuộc họp, sinh hoạt chi, tổ hội, câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”; cấp phát tờ rơi, qua việc vận động cán bộ, hội viên, nông dân viết bài thi tìm hiểu luật đất đai, luật tài nguyên nước…

Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên hướng dẫn hội viên thu gom, phân loại rác thải của hộ gia đình, xây dựng, duy trì hiệu quả các mô hình như: Tuyến đường nông dân tự quản; Nói không với túi nylon và rác thải nhựa; Thu gom, phân loại và xử lý rác thải, chất thải thành phân bón tại nguồn; Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, Hàng cây nông dân… Tích cực vận động hội viên nông dân và người dân nông thôn sử dụng nước sạch, tham gia cải thiện môi trường làng nghề; hạn chế sử dụng túi nilon và sống thân thiện với môi trường. Hướng dẫn hội viên phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả phân bón an toàn, thuốc bảo vệ thực vật và thu gom bao bì thuốc sau khi sử dụng; xử lý chất thải trong chăn nuôi, bảo vệ môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản.

Thông qua công tác tuyên truyền, nhiều cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia thực hiện các biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường, tự giác tham gia dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, tích cực trồng, chăm sóc cây xanh tại gia đình và nơi công cộng. Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên tiếp tục đẩy mạnh, xây dựng và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường; tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân nâng cao nhận thức, chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường; chỉ đạo mỗi cơ sở, chi hội tiếp tục lựa chọn đăng ký, đảm nhận một việc làm cụ thể trong công tác bảo vệ môi trường; tham mưu với cấp ủy, chính quyền xây dựng và nhân rộng mô hình phân loại, xử lý rác thải tại các hộ gia đình; tuyến đường nông dân tự quản; hàng cây nông dân…

Tích cực tham gia vào các chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, phong quang, sạch đẹp.

Nguồn: nhandan.vn

Ý kiến bạn đọc