Nông dân Lạng Sơn chung tay bảo vệ môi trường

Thứ 6, 29/12/2023, 08:37 GMT+7

Theo Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn, những năm qua, việc sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường luôn được Hội Nông dân các cấp trong tỉnh chú trọng triển khai.

Theo lãnh đạo Hội Nông dân Lạng Sơn, song song với mục tiêu phát triển kinh tế, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân từ huyện đến cơ sở phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường. Lựa chọn các nội dung cụ thể, thiết thực, phù hợp để tổ chức cho cán bộ, hội viên nông dân tham gia hiệu quả; tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Hằng năm, các cấp Hội đều giao chỉ tiêu xây dựng mô hình bảo vệ môi trường, phát hiện, tôn vinh, nhân rộng các điển hình bảo vệ môi trường. 

Lạng Sơn chung tay bảo vệ môi trường

Nông dân Lạng Sơn đã hình thành thói quen thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng

Từ năm 2021 đến nay, các cấp hội tổ chức hơn 3.000 cuộc tuyên truyền cho hơn 200.000 lượt hội viên nông dân. Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) tổ chức 16 lớp tập huấn bảo vệ môi trường tại các huyện, thành phố; tập huấn ứng dụng công nghệ sinh học xử lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp và nâng cao kiến thức pháp luật về tài nguyên, môi trường cho 400 nông dân. Triển khai tập huấn, tuyên truyền cho 100 hội viên, nông dân tại xã Tĩnh Bắc, huyện Lộc Bình về xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn sáng xanh sạch đẹp an toàn với nhiều nội dung thiết thực.

Được tuyên truyền, nông dân Lạng Sơn đã chủ động ứng dụng các chế phẩm sinh học xử lý chất thải gia súc, gia cầm thành phân hữu cơ; sử dụng bể bioga tạo năng lượng vừa phục vụ sinh hoạt, vừa giảm thiểu ô nhiễm. Xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ theo chuỗi giá trị, góp phần bảo vệ đất, nước, môi trường.

Bà Hoàng Thị Kiểm, thôn Nà Nùng, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc cho biết: "Gia đình tôi chủ yếu trồng các loại hoa màu nên lượng rác thải từ vỏ thuốc bảo vệ thực vật, vỏ phân bón… khá lớn. Được Hội Nông dân xã thường xuyên tuyên truyền nên tôi thường gom rác lại sau khi sử dụng. Năm 2020, xã đầu tư bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật nên tôi đã chủ động thu gom và tuyên truyền đến mọi người xung quanh cùng thực hiện nhằm bảo vệ môi trường".

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.565 mô hình về "Xây dựng đường làng ngõ xóm sáng xanh sạch đẹp", "Cánh đồng không có vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật", "Xây dựng bể chứa thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, đường hoa nông dân, thắp sáng đường thôn", "sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn thân thiện môi trường"; mô hình trồng, bảo vệ rừng gắn với bảo vệ môi trường.

Nguồn: www.tainguyenvamoitruong.vn

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc