Ba phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị Khởi động xây dựng kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn diễn ra cuối tháng 6 đã mở ra nhiều hy vọng cho Việt Nam áp dụng kinh tế tuần hoàn.
Central Group (Tập đoàn đang quản lý vận hành Central Retail Việt Nam) là một trong những doanh nghiệp vinh dự được đồng hành cùng Hội nghị, qua việc chia sẻ các sáng kiến và mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) tiêu biểu “Không rác thải tại Samui – Samui Zero Waste”. Mô hình KTTH đã được Central Group áp dụng thành công tại Thái Lan; tham gia gian hàng triển lãm nhằm thể hiện cam kết ủng hộ cùng đồng hành với định hướng của chính phủ về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và đề ra các chương trình hành động cụ thể theo đặc thù của ngành bán lẻ thực phẩm của tập đoàn để đạt các mục tiêu phát triển bền vững.
Bà Preyawat Puketkew, Đại Tập đoàn Central cho biết, mô hình “Không rác thải tại Samui – Samui Zero Waste” là sáng kiến phát triển bền vững ra đời với mục đích giải quyết các vấn đề môi trường ở Đảo Koh Samui dựa trên nguyên tắc Kiến tạo giá trị chia sẻ (CSV). Thông qua việc hỗ trợ trang bị những nền tảng kiến thức về việc quản lý nguồn thải trên khuôn khổ vận hành hiện tại, dự án đã kết nối và nhận sự tham gia của đội ngũ nhân viên, khách hàng, chính quyền địa phương và cộng đồng.
Hạng mục trọng tâm của sáng kiến là phân loại chất thải tại nguồn; qua đó tận dụng tối đa giá trị từ chất thải, bao gồm sản xuất phân bón sinh học cho các nông hộ trong cộng đồng và các sản phẩm phụ từ khí sinh học thay thế cho khí hóa lỏng (LPG) hiện được sử dụng làm nhiên liệu đốt trong các trường học và cao đẳng.
“Mô hình “Không rác thải tại Samui – Samui Zero Waste” đã thành công tại Thái Lan sẽ là tiền đề để Central Retail tại Việt Nam tham khảo để có thể triển khai mô hình này tại Việt Nam”, bà Preyawat Puketkew nói.
Mô hình “Không rác thải tại Samui – Samui Zero Waste” tại Thái Lan
Theo ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc đối ngoại, Công ty Nestle Việt Nam, những viên gạch không nung xây dựng nên những công trình phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương là thành quả của một quy trình được nghiên cứu kỹ lưỡng cho mục tiêu không chất thải ra môi trường trong sản xuất (Path to Zero), ứng dụng thực tiễn của mô hình KTTH trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường đã được Công ty Nestle Việt Nam triển khai áp dụng trong thời gian qua.
Theo đó, các nguyên liệu thải ra trong quá trình sản xuất cà phê bao gồm bã cà phê và cát thải lò hơi được tận dụng để không tạo chất thải ra môi trường và vừa để làm nguyên liệu tái chế hữu ích. Các nguyên liệu này được sản xuất theo chu trình tuần hoàn 2 bước. Đầu tiên, bã cà phê được tách ra sau khi chế biến được sử dụng làm chất đốt nhiên liệu sinh khối (biomas) cho lò hơi, làm giảm đồng thời tiêu thụ khí đốt CNG và giảm thải khí CO2 gây ô nhiễm môi trường. Sau đó, cát thải lấy từ lò hơi sẽ được cung cấp cho nhà sản xuất gạch tại địa phương, làm ra các viên gạch không nung phục vụ cho các công trình xây dựng.
Theo ông Khuất Quang Hưng, Nestlé bắt đầu thu gom cát thải lò hơi, hình thành sau quá trình sản xuất cà phê từ năm 2014. Trong đó, thay vì bị thải ra môi trường, cát thải đã được thu gom và dùng để sản xuất gần các viên gạch không nung đạt tiêu chuẩn quốc gia trong ngành xây dựng và được ứng dụng rộng rãi ở các công trình dân dụng lẫn công nghiệp.
Cùng với đó, để đẩy mạnh các hoạt động hướng tới mục tiêu không chất thải ra môi trường trong sản xuất, Công ty cũng tập trung rác sinh hoạt, chất thải rắn không nguy hại giao cho nhà thầu xử lý đốt thu hồi nhiệt thay vì xử lý chôn lấp; bùn thải không nguy hại sau khi được xử lý nội bộ cũng dùng để sản xuất phân bón; vỏ hộp sữa được xử lý làm tấm lợp sinh thái.
Đặc biệt, đến năm 2025, Tập đoàn Nestlé cam kết tái chế và tái sử dụng 100% bao bì sản phẩm trên toàn cầu. Để hiện thực hóa cam kết, Nestlé Việt Nam đã hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành, các tổ chức xã hội, cũng như hợp tác với các cơ quan chính phủ, đặc biệt với Bộ TN&MT triển khai nhiều sáng kiến và tổ chức nhiều hoạt động chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường như: Tham gia Liên minh chống rác thải nhựa với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với các cam kết 100% rác thải từ nhà máy được thu gom, phân loại tại nguồn; 100% các nhà máy không chôn lấp rác thải rắn ra môi trường.
PGS. TS Vũ Huy Đại, Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, trong quá trình chế biến gỗ luôn có phế liệu gỗ ở hầu hết các công đoạn từ khâu khai thác đến gia công. Đặc biệt, phụ phẩm gỗ chiếm tỷ lệ khối lượng khá cao, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Thay vì bỏ đi các phụ phẩm, hiện nay phế liệu gỗ tại các nhà máy đã được ứng dụng phục vụ cho mục đích cung cấp nhiệt cho nồi hơi, lò hơi thay cho việc sử dụng than đá, hoặc dầu như trước đây. Việc làm này có ý nghĩa to lớn về bảo vệ môi trường và giảm khí thải CO2.
Cùng với đó, việc sử dụng phế liệu gỗ để sản xuất các viên nén, các loại vật liệu gỗ công nghiệp (MDF), ván dăm, ván ghép thanh góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu và bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, phế liệu gỗ sau chế biến tại các xí nghiệp có thể được thu gom để sản xuất tập trung các sản phẩm năng lượng. Các sản phẩm năng lượng như viên nén gỗ, gỗ củi ép mùn cưa, than gỗ đã góp phần không nhỏ vào việc giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính, nhóm nhiên liệu này được thay thế bởi các nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường, phát thải một lượng khí lớn CO2 vào môi trường.
Hiện nay, nhiều công ty sản xuất gỗ đã liên kết với các Công ty trồng rừng địa phương, xây dựng nhà máy viên nén năng lượng sử dụng cành, ngọn và phụ phẩm của các nhà máy chế biến gỗ trong khu vực và các tỉnh lân cận để thiết lập chuỗi kinh tế lâm nghiệp tuần hoàn khép kín.
Nguồn: Cổng thông tin Bộ TN&MT