Những mô hình hay, ý nghĩa từ việc phân loại rác tại nguồn!

Thứ 4, 14/09/2022, 10:51 GMT+7

Tại Đà Nẵng, các mô hình điểm tập trung rác thải tái chế, thu gom rác bán để gây quỹ đã góp phần hỗ trợ các em học sinh nghèo hiếu học, phụ nữ đơn thân, có hoàn cảnh khó khăn, lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho xã hội.

Những bữa cơm "0 đồng" của Hội

mô hình hay ý nghĩa từ phân loại rác tại nguồn

Phụ nữ phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng dành tặ​ng bà con lao động nghèo

Bữa cơm "0 đồng" từ quỹ phân loại rác

Gần 1 năm nay, cứ mỗi trưa thứ Ba hàng tuần, Hội Phụ nữ phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng nấu khoảng 100 suất cơm "0 đồng" để giúp đỡ, san sẻ cho các hoàn cảnh khó khăn. Đáng chú ý, những bữa cơm 0 đồng này được thực hiện từ quỹ phân loại rác thải tại nguồn.

Theo đó, để có nguồn kinh phí duy trì bữa cơm "0 đồng", chi hội phụ nữ các tổ dân phố trên địa bàn phường đã tổ chức nhặt rác, phân loại rác tại nguồn sau đó tập trung đem bán gây quỹ. Số tiền bán được từ lượng rác sau khi phân loại lên đến hàng triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Hòa An chia sẻ: "Cứ vào cuối tuần, chị em chúng tôi lại đến từng hộ gia đình lấy rác đã phân loại, nhiều khi chưa kịp đến các gia đình đã gọi điện thoại. Không một ai từ chối việc thiện nguyện ý nghĩa này. 

Mỗi suất cơm '0 đồng' nếu tính thành tiền chỉ có 15.000-20.000 đồng, nhưng đối với những người có hoàn cảnh khó khăn thì cũng tiết kiệm được một phần chi phí. Mỗi người, mỗi nhà khi phân loại rác không chỉ chung tay với xã hội giảm ô nhiễm môi trường mà còn đang tạo ra những giá trị mới, lan tỏa những điều tốt đẹp cho cộng đồng".

mô hình hay ý nghĩa từ việc phân loại rác tại nguồn

Chị em phụ nữ phường Hòa An tổ chức thu gom, phân loại

Còn tại khu dân cư (KDC) Thuận An 5, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng, cứ sáng Chủ nhật hàng tuần, đại diện chi bộ, mặt trận, hội, đoàn thể lại đẩy xe dọc các tuyến đường, kiệt, hẻm để thu gom các loại giấy, vỏ lon, chai nhựa... từ các hộ gia đình. Số rác này sau đó tiếp tục được phân loại để bán cho các đơn vị phế liệu. Toàn bộ số tiền bán phế liệu được công khai và đưa vào quỹ của KDC nhằm phục vụ các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các hộ nghèo. 

Ông Đặng Văn Thi, Bí thư Chi bộ KDC Thuận An 5 cho biết, đến nay, toàn bộ 109 hộ trong KDC đã thực hiện phân loại rác hiệu quả. Để có ý thức phân loại rác tại nguồn tốt như hiện nay là cả quá trình kiên trì vận động, thuyết phục.

"Bên cạnh việc tuyên truyền thông qua các cuộc sinh hoạt chi bộ, tổ dân phố, phát tờ rơi, tài liệu tuyên truyền, chúng tôi phân công nhiệm vụ cho 9 thành viên của "Tổ tuyên truyền dự án Đại dương không nhựa" đi tới nhà từng hộ dân để vận động mọi người chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng thành công mô hình "KDC thân thiện môi trường" từ năm 2019 tới nay", ông Thi cho hay.

Ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP. Đà Nẵng cho biết, từ năm 2018, Đà Nẵng đã thực hiện việc phân loại rác thải làm hai loại, một loại đến khu xử lý chất thải, một loại tái chế. Từ việc phân rác thành hai loại cũng như thực hiện các giải pháp tái chế, tái sử dụng, đã có rất nhiều mô hình hay, ý nghĩa ra đời như "đổi rác lấy quà", "hội chợ đổi đồ cũ". Đặc biệt, mô hình điểm tập trung rác thải tái chế, thu gom rác bán để gây quỹ trên địa bàn đã góp phần hỗ trợ các em học sinh nghèo hiếu học, phụ nữ đơn thân, có hoàn cảnh khó khăn, lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho xã hội.

Đạt nhiều kết quả tích cực

mô hình hay ý nghĩa về phân loại rác tại nguồn

Các khu dân cư thực hiện việc phân loại rác thải thải - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Theo Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, sau hơn 2 năm thực hiện kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt (rác) tại nguồn, Đà Nẵng đã thu gom hơn 1.760 tấn rác tái chế. Hiện đã có 78% tổng số hộ gia đình, 83% số tổ dân phố trên địa bàn Thành phố đã tham gia phân loại rác tại nguồn.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho biết: Việc phân loại rác tại nguồn được Đà Nẵng triển khai từ rất sớm thông qua hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ và đặc biệt là từ TP. Yokohama (Nhật Bản). 

Sau thời gian triển khai thí điểm tại 3 phường ở khu vực trung tâm, đến nay đã nhân rộng khắp các quận, huyện trên địa bàn Thành phố. Qua đánh giá sơ bộ giai đoạn 1, có thể nói đến thời điểm này việc phân loại rác tại nguồn đã được những kết quả nhất định. Tuy nhiên theo ông Tô Văn Hùng, để hoạt động này trở thành một việc làm có tính thường xuyên của người dân đòi hỏi cần có thời gian và sự hoàn thiện về hệ thống kỹ thuật, chính sách giúp việc phân loại rác thải tại nguồn đồng bộ hơn.

Sau hơn 10 năm thực hiện, Đà Nẵng tiếp tục xây dựng Đề án Đà Nẵng – Thành phố môi trường giai đoạn 2 với những tiêu chí rất cao như: Tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom đạt quy chuẩn đến năm 2025 là 95% và đến 2027 là 97%; tỉ lệ chất thải nguy hại phải được thu gom đúng quy định đạt 100%, tỉ lệ hộ dân phân loại rác tại nguồn đến năm 2025 đạt 90%... Đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ tiếp cận với khái niệm đô thị sinh thái, đáng sống.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính Phủ

Ý kiến bạn đọc