Những công nghệ xử lý rác áp dụng trên thế giới!

Thứ 4, 27/07/2022, 16:24 GMT+7

Các công nghệ truyền thống đang được áp dụng chủ yếu trên thế giới gồm công nghệ ủ sinh học làm phân vi sinh, công nghệ đốt tiêu hủy, đốt thu hồi, đốt phát điện... chôn lấp, các phương pháp khác như công nghệ ép kiện, hydromex, hóa dầu, viên nhiên liệu...

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, tại Mỹ, mỗi năm có 67% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý theo phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh có thu hồi năng lượng. Các khu chôn lấp được xây dựng và quản lý tuyệt đối đảm bảo các yêu cầu về môi trường. Toàn nước Mỹ có 2.900 khu xử lý chất thải rắn hợp vệ sinh. Gần đây, các đô thị lớn ở Mỹ đang phát triển mạnh công nghệ đốt chất thải rắn sinh hoạt.

Tại Hà Lan, 60% chất thải rắn đô thị được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, còn lại 35% áp dụng công nghệ đốt, công nghệ tái chế rất ít, chủ yếu là chất thải rắn công nghiệp.

Nhật Bản do quỹ đất hẹp, ngành công nghiệp môi trường phát triển mạnh nên công nghệ chôn lấp ở mức độ vừa phải, chủ yếu cho công nghệ san lấp biển và kè ven biển. Phương pháp đốt có thu hồi điện năng, nhiệt năng chiếm 72,8% với công suất lò đốt đa phần khoảng 500-6000 tấn/ngày.

công nghệ xử lý rác áp dụng trên thế giới

Là quốc gia đang phát triển, dân số đông, từ sau năm 2000 đến nay, Trung Quốc mạnh dạn áp dụng công nghệ đốt ở các cấp độ khác nhau. Cấp độ 1 ở các đô thị lớn, khu đông dân cư, khu kinh tế mở. Các đô thị khác, chủ yếu sử dụng công nghệ đốt địa phương, thiết bị sản xuất tại địa phương, áp dụng tiêu chuẩn cấp độ 2. Hiện nay, ngành sản xuất lò chất thải rắn phát điện của Trung Quốc rất phát triển.

Hàn Quốc hiện có khu liên hợp xử lý chất thải rắn theo phương pháp chôn lấp khổng lồ, xử lý bài bản, kết hợp thu hồi khí gas phát điện theo chương trình giảm khí thải nhà kính.

Gần đây, Hàn Quốc bắt đầu xây dựng các khu đốt chất thải rắn hỗn hợp mẫu xanh, sạch, đẹp như Nhật Bản, công suất một nhà máy thông thường là 2 tổ hợp x500 tấn/ngày, tối đa 3.000 tấn/ngày, kết hợp phát điện.

Thủ đô Bangkok, Thái Lan sử dụng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh, sau đó khai thác trồng cây xanh, cải tạo thành công viên hoặc sân vận động cấp 3 hoặc cấp 2, sân golf.

Xung quanh Bangkok có một số doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân hữu cơ, chất thải hữu cơ lấy từ các chợ rau thành phố, thức ăn thừa, phân bùn bể phốt của một số nhà máy bia, giết mổ gia súc.

Các doanh nghiệp này làm ăn có lãi, đang phát triển tốt, rất đáng học tập áp dụng. Một số thủ đô như Moskva, Cairo, Mexico... khối lượng chất thải rắn sinh hoạt quá lớn, tỷ lệ chôn lấp vẫn chiếm 80-85%.

Nguồn: Cổng thông tin Bộ TN&MT

Ý kiến bạn đọc