Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, thời gian gần đây, nhóm “Biệt đội sống xanh” ở huyện Khoái Châu triển khai thực hiện mô hình thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa. Mô hình này mang lại lợi ích kép vì vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa tránh lãng phí tài nguyên thiên nhiên.
Cô giáo hướng dẫn học sinh thu gom vỏ hộp sữa tại Trường Mầm non Phùng Hưng
Một vỏ hộp sữa tuy nhỏ và nhẹ nhưng lại là gánh nặng của môi trường nếu không được thu gom và xử lý đúng cách. Khi biết được vỏ hộp sữa đã qua sử dụng có thể tái chế thành nhiều vật dụng hữu ích, từ năm 2020, chị Nguyễn Thị Vân Phương, ở xã Dân Tiến (Khoái Châu) đã tuyên truyền cho các thành viên trong gia đình thực hiện việc phân loại rác thải, thu gom những vỏ hộp sữa, vỏ bao bì mì tôm để gửi đến tổ chức Green Life (là một tổ chức bảo vệ môi trường, khuyến khích người dân phân loại rác thải tại nguồn) ở Hà Nội để tái chế.
Để nhân rộng mô hình thu gom, tái chế vỏ hộp sữa, các chị: Phương; Cao Thanh Huyền (ở thị trấn Khoái Châu) và chị Vũ Thị Quyên (ở xã Phùng Hưng) cùng ở huyện Khoái Châu đã thành lập nhóm “Biệt đội sống xanh” để đi tuyên truyền, vận động nhiều người cùng tham gia mô hình. Tháng 11/2022, nhóm đã phối hợp với Ban Giám hiệu Trường Tiểu học thị trấn Khoái Châu triển khai thực hiện việc phân loại, thu gom vỏ hộp sữa để tái chế ở 5 lớp với khoảng 200 học sinh tham gia. Đến tháng 1/2023, nhóm tiếp tục tuyên truyền, triển khai thực hiện mô hình ở 10 trường mầm non trên địa bàn huyện Khoái Châu.
Theo đó, học sinh và giáo viên tại các trường thực hiện mô hình được hướng dẫn cách xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống như cho ống hút vào trong hộp, làm dẹp – xếp gọn (cắt vỏ hộp để dễ xếp gọn), dán sticker lên miệng hộp (ngăn không cho vi khuẩn lọt vào làm sữa lên men, bốc mùi hôi) và bỏ vào đúng nơi quy định để bảo đảm vệ sinh cho trường học và giữ được phẩm chất của nguyên liệu tái chế. Vỏ hộp sữa sau đó được thu gom định kỳ 1 – 2 lần/tuần và chuyển về kho tập kết trước khi đưa về nhà máy xử lý, tái chế.
Để khuyến khích học sinh tham gia mô hình, nhóm “Biệt đội sống xanh” tặng hàng trăm phần quà là những cây sen đá hoặc trà sữa cho các em học sinh tích cực thu gom vỏ hộp sữa. Em Tú Anh, học sinh lớp 5C, Trường Tiểu học thị trấn Khoái Châu cho biết: Mỗi ngày em uống 2 – 3 hộp sữa, trước đây sau khi uống xong em bỏ vỏ hộp vào thùng rác sinh hoạt. Khi được các cô ở nhóm “Biệt đội sống xanh” và thầy, cô giáo tuyên truyền về việc vỏ hộp sữa sau khi sử dụng có thể thu gom, tái chế thành nhiều đồ dùng khác thì em thấy hoạt động này rất ý nghĩa nên em rất thích tham gia. Em đã thu gom được trên 100 chiếc vỏ hộp sữa gửi đi tái chế. Tham gia mô hình giúp em hiểu được vai trò quan trọng và ý nghĩa của phân loại, thu gom, tái chế phế liệu; giúp em thêm yêu môi trường và có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sạch – đẹp.
Cùng với thực hiện mô hình, các trường học thường xuyên lồng ghép các thông điệp, nội dung giáo dục về bảo vệ môi trường cho các em học sinh trong các giờ học và các hoạt động ngoại khóa khác của nhà trường. Từ đó giúp các em hình thành thói quen tốt từ những việc đơn giản và thiết thực hàng ngày như phân loại, tái chế rác thải để góp phần bảo vệ môi trường.
Cô giáo Hoàng Thị Thúy Hạnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phùng Hưng, xã Phùng Hưng cho biết: Khi chúng tôi hướng dẫn cách xử lý vỏ hộp sữa để gửi đi tái chế, các bé đã tiếp thu và làm rất tốt. Chỉ sau 5 tháng thực hiện, trường đã thu gom được trên 100kg vỏ hộp sữa. Từ hành động nhỏ này chúng tôi đã khuyến khích các em chung tay bảo vệ môi trường, tạo thói quen gìn giữ, bảo vệ môi trường và lan tỏa đến gia đình, cộng đồng.
Đến nay, nhóm “Biệt đội sống xanh” đã thu gom được trên 1,1 tấn vỏ hộp sữa các loại từ các trường học tham gia mô hình. Sau khi thu gom, Công ty cổ phần Lagom Việt Nam (Hà Nội) về vận chuyển đến nhà máy tái chế. Trong vỏ hộp sữa giấy có các thành phần: Bột giấy, nhựa và nhôm. Sau khi xử lý, vỏ hộp được tái chế thành các sản phẩm hữu ích, như: Túi giấy, thùng giấy, giấy sản xuất sách, vở, tấm lợp sinh thái, thùng rác…
Việc tái chế vỏ hộp sữa giấy đã mang đến lợi ích kép vì vừa góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường, vừa tránh lãng phí tài nguyên thiên nhiên, tận dụng nguồn nguyên liệu, biến rác thải thành vật dụng có ích. Chị Nguyễn Thị Vân Phương, trưởng nhóm “Biệt đội sống xanh” cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng mô hình thu gom vỏ hộp sữa đến nhiều trường học, người dân hơn nữa để nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường sống.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Đảng Bộ Hưng Yên